Đông Á – tâm điểm của các cuộc hội họp
Giữa cuộc hội ngộ của các nhà lãnh đạo thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Đà Nẵng của Việt Nam và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Philippines, các lãnh đạo từ 10 quốc gia thành viên thuộc G-20 còn gặp gỡ các nền kinh tế nhỏ hơn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Các lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 12 ở Philippines |
Các cuộc họp với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo EU đã mang đến cơ hội cho các lãnh đạo châu Á giảm bớt sự lo lắng về trật tự quốc tế. Dù không dễ dàng gì, song những thù địch và mâu thuẫn chắc chắn được các nhà lãnh đạo thực dụng đặt sang một bên để bảo vệ và xúc tiến các lợi ích chung.
Ưu tiên giải pháp đa phương
Hệ thống thương mại toàn cầu cởi mở dựa trên những quy tắc mà nền kinh tế toàn cầu trông cậy vào đó để hoạt động đang bị đe dọa kể từ khi ông Trump lên cầm quyền tại Mỹ và một số sự kiện trước đó. Ông Trump đã tận dụng bài phát biểu tại APEC để giải thích rõ ràng về quan điểm "nước Mỹ trên hết", chỉ trích chủ nghĩa đa phương và đe dọa phá vỡ các quy tắc.
Peter Drysdale, Giảng viên Kinh tế danh dự tại trường Kinh tế và Chính trị thuộc Đại học châu Á - Thái Bình Dương, Australia, nhận định: “Để APEC có thể duy trì sự tin cậy và tính thích đáng, các lãnh đạo tham dự diễn đàn này phải giải quyết hai vấn đề lớn và cấp thiết bằng cách lôi kéo sự đóng góp xây dựng của tất cả các thành viên. Trước tiên, các nhà lãnh đạo châu Á đơn giản phải khẳng định sự ưu tiên hàng đầu cho các giải pháp đa phương để đối phó các vấn đề thương mại toàn cầu và thể hiện sẵn sàng hành động để thực hiện những giải pháp đó”.
Thỏa thuận cơ bản đạt được giữa 11 nước thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định khi nhậm chức Tổng thống Mỹ - ngay trước thềm APEC là một bước đi quan trọng hướng tới mục đích trên...
Theo chuyên gia Drysdale, vấn đề lớn thứ hai mà các lãnh đạo APEC cần đối mặt là phải có được một “cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở giữa các lãnh đạo APEC về cách thức hoạt động tốt hơn để đảm bảo rằng những thành quả xác thực đạt được từ thương mại sẽ được chia sẻ một cách công bằng cho các cộng đồng của họ”.
Trong lúc Nhóm các nước thuộc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng sẽ phải đối mặt với hai vấn đề lớn mà chuyên gia Drysdale nêu ra. RCEP do ASEAN dẫn đầu bao trùm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand và sẽ bổ sung cho TPP. Hiện có một sự chồng chéo các thành viên trong hai hiệp định này.
Tuy nhiên, RCEP đang áp dụng một cách tiếp cận khác đối với những vấn đề cải cách kinh tế và thương mại nội khối quan trọng thông qua chính sách hợp tác kinh tế của mình. Không có Mỹ trong TPP, nhóm RCEP trở nên lớn hơn và bao gồm các nền kinh tế năng động hơn với tiềm năng tăng trưởng lớn cả về chất và lượng tại Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Trong bối cảnh nước Mỹ của ông Trump đang tác động rất lớn tới hệ thống thương mại toàn cầu, "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu càng trở nên quan trọng gấp đôi. Một thỏa thuận RCEP tham vọng có thể đẩy các nước khác, bao gồm cả Mỹ phải đi đến một sự tự do hóa đầy cạnh tranh và giúp duy trì sự tự do thương mại liên Thái Bình Dương.
Khi EAS chưa tạo lập được văn hóa hợp tác, cũng như chiều sâu và lịch sử hợp tác mà đã được thể hiện rõ nét ở APEC và EAS cũng không tập trung nhiều vào các vấn đề kinh tế mà chỉ là một diễn đàn quan trọng để xây dựng lòng tin và sự hợp tác, thì ưu tiên hàng đầu của APEC sẽ tiếp tục tạo ra lợi ích từ các mối quan hệ kinh tế và từ đó khiến cho chính trường trở nên “dễ thở” hơn trong dài hạn.
Mục tiêu của thượng đỉnh Đông Á
Chiều 14/11/2017, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 12 đã diễn ra trong bối cảnh đây là diễn đàn hàng đầu của các nhà lãnh đạo bàn các vấn đề chiến lược về chính trị-an ninh và phát triển kinh tế ở khu vực, đồng thời cũng là cơ chế hợp tác quan trọng do ASEAN sáng lập với sự tham gia của hầu hết các nước lớn trên thế giới. Các nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực và tăng cường vai trò của diễn đàn, đặc biệt trong định hình cấu trúc khu vực mở, cân bằng, minh bạch và hoạt động dựa trên luật lệ.
Trên tinh thần đó, tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo đã thông qua trên nguyên tắc việc bổ sung “hợp tác biển” thành lĩnh vực ưu tiên mới của Hội nghị Cấp cao Đông Á với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành viên EAS trong chia sẻ thông tin, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển (như vấn đề cướp biển, cướp có vũ trang, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm biển, tai nạn hàng hải...).
Các nước cũng trao đổi sâu về tình hình quốc tế và khu vực, bày tỏ quan ngại về diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, tình hình ở bang Rakhine của Myanmar trong thời gian gần đây. Đánh giá về tình hình thế giới nói chung và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nói riêng đang đứng trước những thử thách lớn hơn bao giờ hết, với hàng loạt các thách thức mới nổi tác động trực tiếp đến an ninh và ổn định của toàn thế giới như sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan, các vấn đề xuyên biên giới, an ninh mạng, mua bán người, biến đổi khí hậu... các nhà lãnh đạo cho rằng các nước cần phải cùng nhau cam kết hợp tác ứng phó và nỗ lực thực hiện mục tiêu chung duy trì hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Đáng chú ý tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua bốn tuyên bố EAS về “Chống rửa tiền và chống tài trợ chủ nghĩa khủng bố”, “Chống lan truyền tư tưởng khủng bố”, “Vũ khí hoá học” và “Hợp tác giảm nghèo”, thể hiện cam kết cao của từng quốc gia thành viên nhằm kịp thời xử lý các thách thức nổi lên ở khu vực và trên toàn cầu vì an ninh, thịnh vượng và tương lai chung của người dân.
Cũng tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN và tám nước đối tác hoan nghênh Canada và Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên tham dự EAS với tư cách khách mời của Chủ tịch ASEAN và ghi nhận nguyện vọng trở thành thành viên chính thức EAS của hai đối tác đối thoại này.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ASEAN cũng như các nước khác trong khu vực và trên thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan, vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh mạng và an ninh biển... Thủ tướng cũng chia sẻ quan ngại về tình hình bán đảo Triều Tiên, nhất là các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân vừa qua, đe dọa môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực.
Trong bối cảnh đó, các định hướng hợp tác EAS thời gian tới là tăng cường đối thoại và hợp tác thực chất; xây dựng cấu trúc khu vực mở, cân bằng, minh bạch, dựa trên luật lệ; tăng cường vai trò của EAS trong xử lý các thách thức khu vực; hoan nghênh việc EAS đưa hợp tác biển trở thành lĩnh vực ưu tiên mới.