Đồng Rúp yếu và cơ hội cho nước Nga
Kinh tế Nga bên bờ vực suy thoái
Chính phủ Nga hôm 2/12 cảnh báo nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái vào năm tới vì sự thấm đòn của các biện pháp trừng phạt phương Tây cũng như hậu quả từ giá dầu đang giảm mạnh. Đây là lần đầu tiên Moscow thừa nhận khả năng sẽ rơi vào suy thoái kinh tế.
Việc Nga trợ giá đồng Rúp đang cho thấy chính phủ của Tổng thống Putin đang dần kiểm soát lại được tình hình
Bộ Phát triển kinh tế Nga đã điều chỉnh dự báo GDP trong năm 2015 từ mức tăng trưởng 1,2% giảm xuống mức 0,8%. Chính phủ đã xem xét lại ngân sách dựa trên sự sụt giảm của giá trị đồng Rúp và giá dầu thế giới giao dịch ở mức giả định 80 USD/thùng so với dự tính trước đó vào khoảng 100 USD/thùng.
Sự đi xuống của nền kinh tế Nga có thể còn tệ hơn nữa khi mức giá giả định để tính toán trên thậm chí còn có vẻ lạc quan hơn so với thực trạng hiện tại. Hôm 2/12, dầu thô Brent chỉ còn 71 USD/thùng, trong khi sự sụt giảm giá trị đồng nội tệ của Nga vẫn chưa tới hồi kết.
Một kịch bản bi quan hơn nhiều có thể xảy ra nếu giá dầu giảm xuống mức 60 USD/thùng. Khi đó, nền kinh tế Nga có thể suy giảm tới 3,5-4%. Trước đó, hồi tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cũng nhận định nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2015 nếu giá dầu giảm xuống còn 60 USD/thùng và phương Tây thắt chặt thêm lệnh trừng phạt liên quan tới vấn đề Ukraine. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt kinh tế gần đây của phương Tây đã khiến nguồn vốn chảy mạnh khỏi nước này, ước tính lên tới 60-80 tỷ USD trong năm 2015.
Đồng Rúp yếu
Nền kinh tế Nga đang đối mặt với sự đi xuống chủ yếu do giá dầu thấp vì một nửa doanh thu của chính phủ đến từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Thực trạng này đang đẩy thu nhập của Nga xuống thấp hơn, dẫn tới gia tăng thâm hụt ngân sách và khiến đồng nội tệ yếu hơn. Từ đó, giá cả hàng hóa tăng cao hơn và đối tượng bị tổn thương nhất là người tiêu dùng.
Việc đồng tiền mất giá sẽ tác động tới tiêu dùng, và ngay cả những người ủng hộ trung thành nhất của Tổng thống Vladimir Putin cũng sẽ phải lo ngại.
Việc giảm giá gần đây của đồng Rúp là do giá dầu giảm mạnh sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) từ chối cắt giảm sản lượng vào tuần trước, kéo theo đó là những tác động tiêu cực đến đồng tiền của các nước xuất khẩu dầu và đồng Rúp bị tác động mạnh nhất.
Chuyên gia kinh tế Vyacheslav Inozemtsev so sánh tình hình của Nga với tình hình của Iran, nước đang chịu các lệnh trừng phạt của thế giới. Trong trường hợp của Iran, áp lực của phương Tây không lật đổ được chế độ chính trị tại quốc gia này, nền kinh tế của nước này vẫn tăng trưởng do các nhà sản xuất trong nước biết tận dụng thị trường nội địa khi ngành xuất khẩu bị đình trệ. Tuy nhiên, nền kinh tế của Nga lại bị tác động mạnh do việc xuất khẩu dầu mỏ chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập của nước này.
Những cơ hội cho nước Nga
Tuy vậy, chỉ vài ngày sau khi OPEC tuyên bố không cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu, một đòn giáng mạnh vào những hy vọng cuối cùng của Nga, và khi mà tất cả đều đang nghĩ tới một kịch bản xấu nhất cho nền kinh tế xứ sở bạch dương, thì ngay lập tức những biện pháp vực dậy tình hình được triển khai. Trong những ngày đầu tháng 12, đà giảm giá đồng Rúp của Nga đã chững lại. Nhiều chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Trung ương Nga đã có sự can thiệp mạnh mẽ để chặn đứng đà rớt giá của đồng Rúp.
Để làm được điều này thì cái giá phải trả lên đến hàng tỷ USD. Trong bối cảnh chính phủ Nga đã chính thức thả nổi đồng tiền quốc gia từ ngày 10/11 được cho là do những khó khăn tài chính, thì việc bất ngờ tung hàng tỷ USD để trợ giá đồng Rúp là một động thái bất ngờ. Nó cho thấy khả năng tài chính của Nga đã trở nên khả quan hơn. Việc Nga bất ngờ quay trở lại trợ giá đồng Rúp được xem như biểu hiện của việc các chính sách phá vây kinh tế của Tổng thống Putin bắt đầu có kết quả.
Trên thực tế việc Nga trợ giá đồng Rúp đang cho thấy chính phủ của Tổng thống Putin đang dần kiểm soát lại được tình hình kinh tế Nga, hơn là một nỗ lực cứu đồng Rúp khi thấy giá đồng tiền quốc gia hạ xuống quá thấp một cách đơn lẻ.
Với việc giá dầu tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới, việc cứu đồng Rúp ở thời điểm hiện tại một cách đơn lẻ là một giải pháp tồi, nó cho thấy Nga đang sẵn sàng quay trở lại chính sách trợ giá đồng Rúp một cách thường xuyên hơn, dựa trên một khả năng tài chính dồi dào và ổn định hơn, đủ để duy trì việc bơm một lượng lớn USD ra một cách liên tục.
Những nhà phân tích kỳ cựu đang cho rằng, việc nước Nga đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế - tương đương với thời điểm năm 1998 khi Nga vỡ nợ nội bộ, nhưng đây cũng là một thời cơ cho nước Nga và nền kinh tế Nga. Việc các nhà đầu tư phương Tây thoái vốn ở Nga do các lệnh trừng phạt và giá dầu giảm sẽ là một cơ hội không thể tốt hơn để chấn chỉnh nền kinh tế Nga dựa trên chính khả năng của các doanh nghiệp Nga.
Thách thức ở thời điểm hiện tại, vì thế cũng là một cơ hội lớn cho kinh tế Nga và chính phủ của Tổng thống Putin.
Cuộc khủng hoảng kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm vừa qua cho thấy chính sách phát triển chủ yếu dựa trên xuất khẩu dầu và đầu tư phương Tây không còn phù hợp nữa. Nhu cầu cần một nền kinh tế dựa trên sức mạnh nội tại của doanh nghiệp Nga là điều cần thiết ở thời điểm hiện tại với nước Nga.
Vũ Anh Tuấn tổng hợp