Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: Thiếu một nhạc trưởng liên kết vùng
Khởi sắc du lịch Việt | |
Cầu nối cho DN đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long | |
Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt khó |
Theo các chuyên gia du lịch, với lợi thế của mình, ĐBSCL có tiềm năng rất lớn trong phát triển du lịch, tuy nhiên, do phát triển tự phát, thiếu sự liên kết giữa các địa phương nên tiềm năng còn bỏ ngỏ…
Nét đặc thù của ĐBSCL là hệ thống kênh rạch chằng chịt. Phần lớn các tài nguyên du lịch của ĐBSCL gắn với sông nước, miệt vườn, chợ nổi là hình ảnh đặc thù của vùng. Ngoài ra ĐBSCL có 3 khu dự trữ sinh quyển, 5 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn tự nhiên, 3 khu bảo tồn loài, 7 khu bảo vệ sinh cảnh và 1 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học...
TS. Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch cho rằng, với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, ĐBSCL đã tương đối thành công trong việc thu hút khách du lịch, lượng khách du lịch đến vùng có tốc độ tăng trung bình 11%/năm trong giai đoạn 10 năm qua. Năm 2015, toàn vùng đón trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế và trên 18 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu nhập từ khách du lịch của cả vùng đạt trên 8,6 nghìn tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Song, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu du lịch, ông cho rằng hệ thống sản phẩm du lịch hiện nay của vùng vẫn còn đơn điệu, ngoại trừ du lịch biển đảo Phú Quốc và các lễ hội, phần lớn các địa phương mới chỉ tập trung khai thác sản phẩm du lịch dựa trên các tài nguyên chính là sông nước, miệt vườn và đờn ca tài tử. Hình thức của các sản phẩm này cũng hết sức tương đồng, do vậy hoạt động du lịch không đạt hiệu quả cao, sức hút không mạnh và sự cạnh tranh chủ yếu về giá cũng ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, trình độ phát triển du lịch cũng không đều giữa các địa phương trong vùng. Lượng khách quốc tế đến Tiền Giang và Bến Tre bằng 50% tổng lượng khách quốc tế của cả vùng. Trong tổng thu từ khách du lịch của vùng (8.636 tỷ đồng), Kiên Giang và Cần Thơ chiếm tới gần 50% tức là 4.236 tỷ đồng, mặc dù 2 địa phương chỉ chiếm 17% lượng khách nội địa và 23% lượng khách quốc tế của cả vùng.
Chính vì vậy, theo TS. Hà Văn Siêu, với đặc thù riêng của ĐBSCL, thì việc liên kết, hợp tác đóng vai trò đặc biệt quan trọng và cần có cơ quan điều phối hoạt động liên kết phát triển du lịch của cả vùng. “Các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL bao gồm du lịch trải nghiệm đời sống sông nước, du lịch sinh thái và du lịch tìm hiểu di sản văn hóa. Trong đó du lịch tìm hiểu đời sống sông nước, miệt vườn là sản phẩm đặc thù nhất, mang tính biểu tượng của ĐBSCL.
Sản phẩm du lịch đường sông hiện đang có những bước phát triển mạnh mẽ trên dòng sông Mekong kết nối Seam Reap - Phnompenh - ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh cũng là một sản phẩm hết sức hấp dẫn. Tuy nhiên việc phát triển sản phẩm này cũng cần có những cách thức thể hiện khác biệt giữa các địa phương để hạn chế tình trạng cạnh tranh nội vùng”, ông Siêu khuyến nghị.
Các chuyên gia du lịch thì cho rằng, các tỉnh trong khu vực cần đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch, song song với phát triển nguồn nhân lực… đây là những giải pháp then chốt cho ngành du lịch vùng ĐBSCL thời gian tới.
Đồng tình với quan điểm này, song TS. Hà Văn Siêu cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với phát triển du lịch ĐBSCL hiện nay là liên kết. Để thực hiện hiệu quả vấn đề liên kết phát triển du lịch cần hình thành Ban Điều phối phát triển du lịch với sự chủ trì của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự tham gia của các địa phương và các cơ quan có liên quan.
Việc liên kết phát triển du lịch vùng cần được thực hiện trong các lĩnh vực cụ thể từ xây dựng chính sách và quy hoạch, kêu gọi đầu tư và xúc tiến đầu tư đến phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực cũng như bảo vệ môi trường. Các liên kết không chỉ nằm trong phạm vi nội vùng mà còn cần được thực hiện với các địa phương, các vùng khác, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng như các liên kết quốc tế với ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.