Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt khó
Nỗ lực trấn an du khách | |
Đâu chỉ là tôm, cá chết |
Buộc phải giảm giá
Mặc dù, đã bước vào khoảng thời gian cao điểm của ngành du lịch ở miền Trung, song tình trạng cá biển chết hàng loạt trong thời gian qua, đã và đang để lại những hậu quả nặng nề, cho ngành “công nghiệp không khói” ở khu vực trong đó có Quảng Bình…
Quảng Bình đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định tâm lý, thu hút khách du lịch trở lại |
Theo báo cáo của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình, lượng du khách cả trong lẫn ngoài nước đến địa phương từ đầu tháng 4/2016 đến nay giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Công suất sử dụng buồng cũng giảm 34% so với cùng kỳ. Theo đó, trong thời gian qua lượng khách đến Quảng Bình đã giảm khoảng 102 nghìn lượt, thiệt hại gần 102 tỷ đồng.
Bên cạnh, những khó khăn của ngành du lịch cũng đã ảnh hưởng đến đời sống của hơn 4 nghìn lao động trực tiếp, 7 nghìn lao động gián tiếp trong ngành du lịch ở địa phương.
Trong thực tế, hiện một số điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Bình như biển Bảo Ninh, Nhật Lệ, Sun Spa… đều rất vắng khách. Dự báo trong thời gian tới, hoạt động du lịch sẽ còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, số lượng tour, khách du lịch đến Quảng Bình còn có thể sẽ tiếp tục sụt giảm...
Trước tình trạng khó khăn trên, mới đây UBND tỉnh Quảng Bình và một số DN kinh doanh du lịch, lữ hành, khách sạn đã nhóm họp và đưa ra các giải pháp nhằm cứu vãn tình thế.
Theo đó, chính quyền cũng như nhiều DN đã đồng thuận chấp nhận phương án giảm giá vé, hạ giá để thu hút du khách quay trở lại địa phương. Giá vé tham quan các địa điểm nổi tiếng của du lịch Quảng Bình như, động Thiên Đường, Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ giảm 30% giá vé cho đến hết năm 2016. Cụ thể như vé tham quan động Thiên Đường giảm 30%, giá từ 250 nghìn đồng xuống còn 175 nghìn đồng/người; Giá vé động Phong Nha giảm từ 150 nghìn đồng xuống còn 105 nghìn đồng/người; Vé tham quan động Tiên Sơn giảm từ 80 nghìn xuống còn 56 nghìn đồng/người…
Bên cạnh, việc giảm giá ở các địa điểm du lịch cơ quan chức năng ở Quảng Bình cũng đã thống nhất giảm mức phí môi trường, bến bãi xuống 10 - 20%...
Dự báo trong thời gian tới, ngành du lịch Quảng Bình còn tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giảm giá là giải pháp trước mắt đã được đưa ra, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình, DN giảm giá nhưng không được giảm chất lượng phục vụ. Bởi, nếu giảm giá mà đồng thời giảm chất lượng phục vụ thì coi như bằng không…
Hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp
Trước khi tiến hành việc giảm giá đồng loạt, nỗ lực thu hút du khách trước những khó khăn do hiện tượng cá chết hàng loạt gây ra, Quảng Bình đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định tâm lý, thu hút khách du lịch trở lại. Cụ thể, cơ quan chức năng địa phương liên tục tiến hành đo đạc, quan trắc thông báo cụ thể các chỉ số của nước biển trên phương tiện thông tin đại chúng; Xác nhận, kiểm tra chất lượng cũng như tổ chức nhiều địa điểm bán hải sản an toàn…
Tuy nhiên, do việc xác định nguyên nhân hải sản chết bất thường vẫn chưa có kết luận chính thức, rõ ràng nên nhiều du khách vẫn còn e ngại khi đến Quảng Bình cũng như địa phương lân cận như Hà Tĩnh hay Quảng Trị.
Về lâu dài, bên cạnh việc giảm giá, theo ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, địa phương sẽ tiếp tục đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế những tổn thất trong hoạt động kinh doanh du lịch, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ DN du lịch thời gian tới.
Theo đó, Quảng Bình sẽ chú trọng tăng cường nhiều biện pháp quảng bá du lịch đến các địa phương trong cả nước; Tổ chức lễ hội ẩm thực để chứng minh cho du khách biết việc cá chết không ảnh hưởng đến ẩm thực của Quảng Bình; Mở rộng các điểm bán cá sạch cho du khách, nhà hàng. Công bố nhanh chóng và thường xuyên các kết quả quan trắc chất lượng nước biển…
Đồng thời, Quảng Bình cũng đề xuất miễn giảm thuế thu nhập DN, giãn thời gian nộp thuế, giãn nợ thuế cho DN du lịch, các hãng lữ hành trong trong năm 2016.
Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành có các chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất cho các DN vay vốn ngân hàng đầu tư các cơ sở lưu trú du lịch dịch vụ.
Trao đổi với phóng viên, nhằm hỗ trợ cho các DN du lịch ở địa phương, ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Bình cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ ngư dân, ngành Ngân hàng trên địa bàn đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ cho DN, đặc biệt là các DN du lịch trước việc cá chết bất thường hàng loạt trong thời gian qua.
Theo đó, NHNN tỉnh đã chỉ đạo TCTD chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, DN bị thiệt hại. Từ đó, kịp thời thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay… đồng thời tiếp tục xem xét cho vay mới giúp các DN khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.
Đến nay, Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, Ngân hàng Chính sách xã hội… đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đối với ngư dân, doanh nghiệp bị thiệt hại, trên địa bàn các TCTD cũng đang ráo riết triển khai.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của địa phương, Quảng Bình cũng đang mong muốn các cơ quan chức năng sớm có thông báo về nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt trong thời gian qua. Qua đó, góp phần quan trọng để trấn an du khách lẫn người dân địa phương, để Quảng Bình tiếp tục trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách cả trong nước lẫn quốc tế.