Cầu nối cho DN đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long
Tiềm năng còn rất lớn
Hạ tầng cơ sở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những bước phát triển, giao thông đường bộ, đường thủy kênh rạch được thông suốt từ Cà Mau đến TP. Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở quan trọng, để cho ĐBSCSL phát triển, đồng thời mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư.
Đó là nhận định của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại Hội nghị Hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TP. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND TP. Hà Nội phối hợp tổ chức chiều ngày 26/5, tại Hà Nội.
Lễ ký kết Hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ với UBND TP. Hà Nội |
Hội nghị là cơ hội để trao đổi, tiếp xúc trực tiếp giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước nhằm định hướng các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác đầu tư, thương mại, du lịch. Đặc biệt, tăng cường tính hợp tác và liên kết giữa vùng ĐBSCL với TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc trong thời gian tới.
Theo thông tin tại Hội nghị về tình hình hợp tác của Hà Nội với các tỉnh, thành phố ĐBSCL, trong lĩnh vực thương mại và du lịch, từ năm 2013, TP. Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh An Giang, Tiền Giang tổ chức giới thiệu sản phẩm chủ lực của DN 2 tỉnh vào hệ thống phân phối của Hà Nội với sự tham gia của gần 100 DN sản xuất của các tỉnh và DN phân phối của TP. Hà Nội.
Năm 2015, ngành Công Thương Hà Nội đã tổ chức đưa hành tím của tỉnh Sóc Trăng ra tiêu thụ tại Hà Nội. Hà Nội đã tổ chức Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2015 với sự tham gia đông đảo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng đặc sản của các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam bộ.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, ngành Du lịch Hà Nội đã ký kết, hợp tác phát triển du lịch với một số địa phương như An Giang, Cần Thơ… với các nội dung liên kết xây dựng sản phẩm, kết nối tour, tuyến; quảng bá, xúc tiến du lịch giữa các bên….
Đại diện ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, phía ngành Ngân hàng luôn đánh giá cao tiềm năng của ĐBSCL. Bởi đây là vùng trù phú, tài nguyên thiên nhiên phong phú, tài nguyên đó được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, phù hợp với trồng nhiều cây trái… Mặc dù tiềm năng này đã được khai thác nhưng vẫn còn nhiều cơ hội phát triển.
PHÓ THỐNG ĐỐC NHNN ĐÀO MINH TÚ: Gắn hoạt động tín dụng với quy hoạch tổng thể vùng Thời gian tới, để tăng cường sự gắn kết giữa TP. Hà Nội với ĐBSCL, NHNN sẽ chỉ đạo các NH gắn chặt hoạt động tín dụng với các chương trình, quy hoạch tổng thể của vùng, của từng tỉnh, thành phố. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng đã có một cách tích cực, để các chương trình đó, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục được mở rộng đầu tư với các chính sách ưu đãi, tạo tính lan tỏa. Cùng với đó là chú trọng sự chuyển dịch nhanh cơ cấu tín dụng vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu, thương mại để mang lại giá trị gia tăng cao hơn. |
Ngân hàng tiếp tục “bơm” vốn cho ĐBSCL
Về đầu tư vốn của hệ thống NH đối với ĐBSCL, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hiện nay dư nợ cho vay tại ĐBSCL gần 400.000 tỷ đồng, trong khi huy động vốn tại địa phương chỉ hơn 300.000 tỷ đồng, cho thấy sự nỗ lực của hệ thống NH.
Đến nay, NHNN đã phê duyệt cho 10 doanh nghiệp thuộc khu vực ĐBSCL thực hiện 10 dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại 6 tỉnh (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng), trong đó có các doanh nghiệp liên kết cánh đồng lớn sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, doanh nghiệp có chuỗi liên kết sản xuất và xuất khẩu thủy sản.
Như vậy, cùng với đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ngân hàng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL, phát huy các thế mạnh vốn có của vùng, tạo điều kiện cho thương mại và du lịch vùng ĐBSCL được đẩy mạnh và phát triển.
Là một trong số những NHTM dành nhiều nguồn vốn cho vay và tham gia công tác an sinh xã hội vào ĐBSCL, ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank cho biết, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,6% giai đoạn 2016 – 2020, hiện nay, VietinBank đã và đang phục vụ trên 10.000 DN trên địa bàn. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn khoảng 50.000 tỷ đồng, tổng quy mô cho vay trên 80.000 tỷ đồng, chiếm thị phần khoảng 20% hoạt động ngân hàng trên địa bàn.
Các nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân, phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn như sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản, hoa quả, thủy hải sản đều được VietinBank đáp ứng đầy đủ.
Bên cạnh đó, VietinBank còn là ngân hàng đầu mối quản lý, phục vụ các dự án do ADB và WB tài trợ như: Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (1.260 triệu USD); Dự án Xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (410 triệu USD)…
“Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng và từng địa phương, các chương trình, kế hoạch về tăng cường hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TP.Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, VietinBank khẳng định rằng sẽ đồng hành và gắn kết chặt chẽ với quá trình này, sẵn sàng đáp ứng đủ vốn và dịch vụ NH với chi phí hợp lý nhất để thực hiện được mục tiêu phát triển đã xác định” – ông Thọ nhấn mạnh.
Theo NHNN, định hướng hoạt động ngân hàng khu vực ĐBSCL trong thời gian tới là, tiếp tục tập trung nguồn vốn cho các lĩnh vực đặc thù vùng ĐBSCL nhằm phát huy các thế mạnh của vùng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của khu vực theo hướng phát triển theo chiều sâu.
Trong đó, tập trung cho các dự án phát triển xuất khẩu các sản phẩm có tiềm năng và giá trị cao như lúa, tôm, cá, rau quả đông lạnh; Phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn sông nước, du lịch biển và du lịch văn hóa lễ hội.
Hệ thống ngân hàng cũng ưu tiên phục vụ hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó có cả lĩnh vực du lịch xanh, để thúc đẩy hoạt động du lịch đặc trưng của vùng ĐBSCL.
NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD bố trí vốn để khu vực ĐBSCL thực hiện các dự án, công trình trọng điểm phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội của khu vực, tạo tiền đề cho sự phát triển thương mại và du lịch, trong đó tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch, các kênh rạch trên các tuyến tham quan đường sông, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, công trình phục vụ du lịch, phát triển dịch vụ.
Tính đến 30/4/2016, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL đạt khoảng 186.602 tỷ đồng, tăng 8,13% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng 21,4%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm gần 49% tổng dư nợ cho vay của khu vực. Trong lĩnh vực thủy sản, dư nợ cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản tại khu vực ĐBSCL ước đạt 54.306 tỷ đồng, tăng 3% so với 31/12/2015. |