Dự phòng rủi ro: Thừa không được, thiếu không xong
Vietcombank xây dựng và triển khai khung quản lý rủi ro gian lận | |
Ngân hàng không quên “kim chỉ nam” chất lượng | |
Rủi ro công nghệ trong ngân hàng: Phòng bệnh hơn chữa bệnh |
Quản trị rủi ro trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ngày càng được các NHTM tại Việt Nam lưu tâm hơn. Thực tế cho thấy, công tác này có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào mức độ chính xác trong phân loại rủi ro của mỗi ngân hàng. Ở thời điểm hiện nay, hệ thống NHTM tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro đến từ bên ngoài cũng như nội tại. Và chuyện phân nhóm nợ để trích lập dự phòng rủi ro như thế nào cho đúng, đủ là vấn đề “đau đầu” với NHTM.
Những rủi ro từ bên ngoài như các biến động tiêu cực về kinh tế-chính trị thế giới sẽ ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu, và Việt Nam cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Song, để đối mặt hiệu quả với những thách thức đó, NHTM Việt Nam cần giải quyết những yếu kém, rủi ro nội tại trước hết.
Kết quả kinh doanh năm 2015 của các NHTM phần lớn đều có mức tăng trưởng khá so với năm trước đó, đặc biệt tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh. Tuy nhiên, không ít chuyên gia nhận định rằng, tình hình kinh doanh của các NHTM năm 2016 sẽ khả quan hơn, nhưng cùng với đó, việc quản lý rủi ro và trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu, trái phiếu đặc biệt vẫn là áp lực lớn đối với các ngân hàng. Trích lập dự phòng rủi ro chiếm phần không nhỏ trong lợi nhuận của mỗi NHTM.
Hai tháng đầu năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng rủi ro đã là 900 tỷ đồng (16,3% kế hoạch năm). Theo nhận định của công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), hiện trong cơ cấu dư nợ của ngân hàng có hai lĩnh vực rủi ro cao là dầu khí chiếm 3,2% và bất động sản chiếm 8%. Còn với Eximbank, trong quý IV/2015, ngân hàng này đã chịu lỗ khi chi phí dự phòng tăng gấp gần hai lần so với 9 tháng đầu năm 2015.
Rủi ro tín dụng cũng là một trong những rủi ro mà NHTM luôn phải đối diện và tiêu tốn khá nhiều chi phí dự phòng. Đơn cử như BIDV, chỉ riêng quý IV/2015, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là 1.842 tỷ đồng; VPBank có chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 3.278 tỷ đồng năm 2015.
Còn với Vietcombank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này vẫn ở mức cao. Cụ thể, năm 2015 là hơn 6.000 tỷ đồng, kế hoạch năm 2016 là 5.500 tỷ đồng. Vietcombank hy vọng chất lượng tài sản được kiểm soát tốt hơn, nguy cơ về nợ xấu mới phát sinh đã giảm mạnh và từ những hiệu quả đạt được trong 2015, số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng sẽ giảm.
Rủi ro luôn khó đoán, nhưng không phải không thể đo lường. Chính bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, NHTM dần phải tiến tới thực hiện những thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế để có giải pháp “đọc vị” và hạn chế rủi ro. Đích gần nhất là việc thực hiện Basel II, xây dựng mô hình ngân hàng an toàn với những tiêu chuẩn khắt khe về vốn. Từ tháng 2/2016, 10 NHTM do NHNN chỉ định chính thức bước vào thực hiện thí điểm phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II.
Phó giám đốc phụ trách quản trị rủi ro của một NHTM chia sẻ: Thực hiện Basel II là một công việc rất lớn, dài hạn và tốn nhiều nguồn lực, đặc biệt với các ngân hàng nằm trong nhóm được NHNN lựa chọn thực hiện. Chuyện Basel II không mới, nhưng xem ra các NHTM Việt Nam vẫn cần khá nhiều thời gian nữa để dần dần thích nghi và đáp ứng được với chuẩn này.
Vị này cũng cho biết thêm, “dù có sự phân chia cao thấp, nhưng rủi ro vẫn là rủi ro, không được chủ quan. Vì mức độ rủi ro của từng nhóm còn phụ thuộc vào từng thời điểm, hoàn cảnh, không phải là bất biến”.
Và quan trọng hơn hết vẫn là hiệu quả hoạt động quản lý rủi ro của các NHTM.