Ngân hàng không quên “kim chỉ nam” chất lượng
Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng | |
Cơ sở tăng tốc tăng trưởng tín dụng |
Chưa quên bài học cũ
Định hướng chính sách tăng trưởng tín dụng khoảng 18-20% trong năm 2016 của NHNN được xem là hợp lý, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước có biểu hiện phục hồi, nhu cầu vốn tăng đều và trên nền tăng trưởng tín dụng năm 2015 ở mức 17,29%.
Nhưng ở một động thái khác, chính sách tiền tệ cũng “để ngỏ” khả năng thắt chặt đối với lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là khả năng có thể kéo tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn về 40%, từ 60% hiện nay; hay hệ số rủi ro cho vay bất động sản có thể tăng từ 150% lên 250%...
Quy trình thẩm định và cho vay được các NH thực hiện chặt chẽ |
Tăng tín dụng nhưng thắt kiểm soát chất lượng có lẽ là điểm đáng chú ý nhất trong quan điểm chính sách của Chính phủ và NHNN thời gian gần đây. Chẳng hạn như tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016, Chính phủ chỉ đạo NHNN có các giải pháp để tăng trưởng dư nợ tín dụng hợp lý gắn với triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng…
Còn về phía NHNN vẫn duy trì quan điểm trong 5 năm qua chứ không riêng gì năm nay, tín dụng vẫn phải đặt mục tiêu ưu tiên cho các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, dự án ứng dụng công nghệ cao…
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sự “nhắc nhở” như trên của Chính phủ, hay những động thái chính sách tiền tệ gần đây liệu có sớm không, khi mà hoạt động NH mới trải qua 2 tháng đầu năm và những tháng đầu tín dụng bao giờ cũng tăng thấp?
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, việc chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng chẳng bao giờ là sớm, và cũng không bao giờ là muộn. Vì nó là vấn đề phải quan tâm thường xuyên với các NH.
“Tăng trưởng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng luôn là rất cần thiết. Nếu không, nó sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Và bài học này từ thời điểm năm 2009 trở về trước đã trở thành kinh nghiệm đắt giá, mà “dư âm” của nó đến nay là chúng ta vẫn đang phải xử lý nợ xấu”, ông Tùng nói.
Mặc dù năm nay được tiên đoán sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ tốt hơn, nhưng tín dụng quý I/2016 được các NHTM dự báo sẽ ở mức thấp. Theo lãnh đạo các NHTM, tín dụng 3 tháng đầu năm thường không cao vì tính chất mùa vụ, tháng 2 thường thấp vì nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng việc quan tâm tới chất lượng tín dụng có nhắc thì cũng không thừa, thậm chí các NH phải đưa chất lượng tín dụng thành “kim chỉ nam” trong hoạt động của mình.
Cách nào ngăn rủi ro đạo đức
Đi tìm câu trả lời về việc làm thế nào để tăng trưởng tín dụng đồng thời kiểm soát chất lượng, Trưởng một phòng giao dịch của SHB tại khu vực Cầu Giấy cho biết, “khẩu vị rủi ro” thì tùy thuộc vào từng NH, nhưng theo chỉ đạo của hệ thống SHB phải đặt vấn đề chất lượng tín dụng lên hàng đầu. Thậm chí có những khoản vay, khách hàng chứng minh được thu nhập, có tài sản thế chấp là bất động sản nhưng khi thẩm định, NH cũng định giá tài sản bất động sản ở mức rất thấp chỉ bằng 40% giá thị trường để tránh rủi ro thấp nhất có thể.
Các NH đều có mô hình quản lý rủi ro tín dụng từ khâu đánh giá lựa chọn khách hàng |
Theo lãnh đạo các NHTM, muốn kiểm soát chất lượng tín dụng đòi hỏi sự thống nhất của cả một mô hình tổ chức hoạt động. Các NH đều có mô hình quản lý rủi ro tín dụng từ khâu đánh giá lựa chọn khách hàng. Họ phải có công cụ phân hạng, đánh giá chính xác về khách hàng, cũng như thẩm định, phân tích các khoản cho vay để đánh giá rủi ro từng khoản vay, hay giám sát quá trình giải ngân, thu hồi nợ.
Nhiều ý kiến cho rằng, để kiểm soát được chất lượng tín dụng và rủi ro trong hoạt động NH thì vấn đề đạo đức cán bộ là vô cùng quan trọng. Về chuyện này, ông Nguyễn Đình Tùng khẳng định: “Một tổ chức quản lý tốt thì phải dần hạn chế tính chủ quan của con người trong các quyết định, nhất là với các NH khi đưa ra quyết định cho vay”.
Ông Tùng lấy ví dụ, tại OCB, nhân viên tiếp cận khách hàng thì không phải là người thẩm định tín dụng. Các khâu như thẩm định, duyệt giải ngân cũng có các nhân viên, cán bộ khác nhau thực hiện chứ không phải một người quyết định. Ngoài ra, việc đánh giá tài sản đảm bảo của khách hàng, rồi đưa ra các chính sách lựa chọn khách hàng cũng độc lập để đảm bảo sự khách quan.
Ngoài việc phân công tổ chức bộ máy ra thì hệ thống còn có hàng loạt các công cụ hỗ trợ theo dõi dựa trên nền tảng công nghệ thông tin như: hệ thống phân hạng, xếp hạng khách hàng.
Với các NH hiện nay, để nâng cao đạo đức cán bộ thì phải xây dựng các tiêu chí lựa chọn ngay từ ban đầu, đồng thời thường xuyên đào tạo, nhắc nhở cũng như phải gắn quyền lợi với trách nhiệm, như thế sẽ góp phần nâng cao ý thức, đạo đức nghề nghiệp của từng cán bộ.