Dựng rào chống thất thu thuế
Kết nối dữ liệu để tận thu thuế | |
Khởi động cải cách thông quan, thu thuế | |
Nan giải chống thất thu thuế |
Có thể thấy, toàn cầu hóa đã tạo nên những cơ hội hội nhập cho một nền kinh tế đang phát triển, giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ và đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa.
Theo khảo sát các DN trong Bảng xếp hạng V1000 năm 2016 (Top 1.000 DN nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam năm 2016), thì các yếu tố được các DN đánh giá là có ảnh hưởng nhiều nhất đến tốc độ tăng trưởng của họ trong 5 năm vừa qua là mở rộng thị trường (73%); và tăng trưởng thị trường trong nước, khu vực (69%). Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không ngừng tăng lên.
Tuy nhiên, những tác động tiêu cực mà xu thế này mang lại cũng không hề ít, đặc biệt khi tốc độ phát triển của nó vượt quá khả năng kiểm soát của các nước đang phát triển như Việt Nam, tạo ra những lỗ hổng trong quản lý thuế, hình thành nên những thao túng trong cấu trúc thuế, nhằm thu lợi thuế hoặc thậm chí trốn thuế.
Tính đến nay, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần - điều kiện pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp chống chuyển giá đã được Việt Nam ký với trên 50 quốc gia trong tổng số khoảng 200 quốc gia có quan hệ thương mại. Các biện pháp như áp dụng thống nhất một mức thuế suất phổ thông và ưu đãi thuế đối với các loại hình DN, không phân biệt DNNN, FDI và kinh tế tư nhân; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật; hay xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tỷ suất lợi nhuận của các DN độc lập theo từng ngành nghề kinh doanh đã và đang được Việt Nam áp dụng.
Tuy nhiên, cho dù cơ quan thuế đã xây dựng được cơ sở dữ liệu của 12.000 DN FDI, thì việc điều tra trốn thuế, chuyển giá vẫn không hề dễ dàng gì. Trường hợp của Metro Việt Nam có lẽ chỉ là một điển hình nhỏ đã được giải quyết và truy thu thuế, hoàn lại hơn 507 tỷ đồng thất thoát sau hơn 12 năm đầu tư “lỗ” vào Việt Nam.
Vậy làm sao để các cơ quan làm chính sách và quản lý thuế vừa đáp ứng được các mục tiêu khuyến khích đầu tư, lại vừa có thể đảm bảo quản lý thuế hiệu quả, hiệu lực, tránh gây thất thoát nguồn thu do những lỗ hổng trong chính sách vẫn đang tồn tại?
Bài học kinh nghiệm từ những nước đang phát triển cho thấy, để tránh bị lợi dụng trong thu thuế, Việt Nam không chỉ cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành, các cơ quan chức năng, mà còn cần có những cơ chế hiệu quả hơn để “rào” trước những rủi ro, thách thức này.
Ví như, các nước nhóm OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) đã thực hiện các biện pháp chống chuyển giá từ những năm 1980. Mười năm sau đó, việc chống chuyển giá cũng được Trung Quốc thực hiện. Các nước phát triển như Mỹ, Tây Âu hầu như không áp dụng các cơ chế ưu đãi thuế thu nhập DN vì cho rằng, nếu quản lý thuế không chặt chẽ sẽ dẫn đến hệ lụy trốn thuế và tránh thuế. Lập luận này xuất phát từ thực tế là các tập đoàn đa quốc gia thường xây dựng các phương án, kế hoạch đầu tư vào đâu để số thuế thu nhập DN phải nộp là thấp nhất.
Một rào cản khác chống thất thu thuế được nhiều nước phát triển trên thế giới công nhận và áp dụng, là cơ chế thỏa thuận giá trước APA. Đây là một dạng thoả thuận trước bằng văn bản về phương pháp xác định giá chuyển giao được thiết lập giữa các bên có quan hệ liên kết trước khi diễn ra giao dịch và văn bản này được thông qua giữa đối tượng nộp thuế và cơ quan thuế.
Với cách này, cơ quan thuế các nước vừa tạo được điều kiện cho các DN tuân thủ pháp luật tại nước xuất khẩu vốn và nước nhận đầu tư, vừa có thể quản lý được vấn đề chuyển giá theo nguyên tắc thị trường.
Cùng với đó, giám sát dựa trên nguyên tắc xác định giá thị trường cũng là một trong những hình thức đã được áp dụng khá phổ biến để chống chuyển giá. Phương pháp này đảm bảo được tính khách quan trong việc điều tra về mức giá chuyển giao giữa các bên liên quan.
Tuy nhiên, có một bất cập là khi một số ngành đặc thù không có sản phẩm tương ứng trên thị trường thì không có mức giá nào để so sánh. Hơn nữa, tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có một cơ quan nào chuyên trách về việc xác định giá thị trường của một sản phẩm, dịch vụ và vì thế sẽ không có căn cứ nào để xác định có chuyển giá hay không.