Kết nối dữ liệu để tận thu thuế
Mở rộng dịch vụ nộp thuế điện tử với 15 ngân hàng | |
Nộp thuế điện tử qua NH: Không chỉ là an toàn và hiệu quả | |
Nộp thuế điện tử: Lợi cả đôi bên | |
Nộp thuế điện tử: Ngân hàng nhập cuộc |
Những năm gần đây, thương mại điện tử ngày càng nở rộ trong nước với việc hình thành các DN thương mại điện tử, cá nhân kinh doanh trên các trang mạng xã hội, thậm chí nông dân nhờ bán sản phẩm qua mạng mà mở rộng thị trường, tăng doanh thu. Điển hình như: cá kho làng Vũ đại, hoa Đà Lạt, rau sạch...
Hoạt động thương mại điện tử được mở rộng, các DN cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, một số DN có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng nhưng số tiền họ nộp ngân sách lại không đáng kể. Qua công tác thanh tra theo cơ chế quản lý rủi ro, cơ quan thuế ở nhiều địa phương đã phát hiện và truy thu hàng trăm tỷ đồng của các DN thương mại điện tử.
Một trong những nguyên nhân khiến quản lý thu thuế không được chặt chẽ là chưa thực hiện hoặc triển khai đồng bộ thanh toán điện tử. Đây cũng là bài toán mà ngành thuế đã đặt ra và đưa ra phương án giải quyết cùng với các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Ngân hàng trong thời gian qua với việc các TCTD đã nghiên cứu ứng dụng các phần mềm thanh toán và dịch vụ trong lĩnh vực này.
Ảnh minh họa |
Mới đây nhất VietinBank đã triển khai việc thu thuế điện tử qua POS. Cũng từ ngày 1/1/2016, hộ kinh doanh được thí điểm ủy nhiệm thu thuế đối với khoản nộp thuế theo phương pháp khoán. Hộ kinh doanh được quản lý theo phương thức điện tử và nộp thuế điện tử qua đơn vị uỷ nhiệm thu thuế, như nộp qua dịch vụ thanh toán điện tử Bankplus của Ngân hàng Quân đội (MB), nộp qua thẻ, nộp qua internet banking...
Tuy nhiên, để quản lý hiệu quả nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, chống thất thu, gian lận về thuế liên quan đến các giao dịch điện tử, thì “vấn đề cốt lõi là phải kết nối cơ sở dữ liệu giữa DN, hộ, cá nhân kinh doanh với cơ quan thuế, giữa các ngân hàng phục vụ bên bán hàng và cơ quan thuế”, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Thị Cúc nhìn nhận.
Theo kinh nghiệm quốc tế, để nắm đầy đủ doanh thu kinh doanh và doanh thu làm cơ sở tính thuế, cơ quan thuế sẽ đặt code của mình trực tiếp vào dữ liệu máy tính tiền của các cửa hàng, siêu thị, cây xăng, máy bán hàng tự động... Toàn bộ doanh thu sẽ được chuyển đầy đủ, kịp thời vào dữ liệu của cơ quan thuế làm cơ sở tính thuế. Riêng đối với thanh toán điện tử, thanh toán qua ngân hàng thì cơ sở dữ liệu sẽ được các ngân hàng chia sẻ với cơ quan thuế.
Nhưng muốn thực hiện triệt để việc chia sẻ thông tin này, cần đảm bảo sự bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các tổ chức cá nhân kinh doanh chấp nhận kết nối dữ liệu với cơ quan thuế và những đối tượng không tham gia hoặc thanh toán thuế bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó cần phải có lộ trình và chính sách phù hợp cho từng đối tượng cụ thể. Bởi để bỏ thói quen thanh toán tiền mặt đã hình thành từ lâu trong cộng đồng là không hề dễ dàng.
Bên cạnh đề xuất giai đoạn đầu các ngân hàng không thu phí khi thanh toán bằng thẻ, bà Cúc cho rằng đối với các địa phương có cơ sở hạ tầng truyền thông tốt, nên có điều khoản bắt buộc thanh toán điện tử trong việc cấp phép kinh doanh, hoàn thành nghĩa vụ thuế theo pháp luật hiện hành. Có như vậy việc triển khai thanh toán điện tử đối với cá nhân, hộ kinh doanh cá thể mới có thể đảm bảo tính khả thi cao.