Gấp rút hoàn thiện hệ sinh thái fintech
Fintech Việt hút vốn ngoại: Khi tiềm năng khai phá còn rộng mở | |
Sự ổn định và an toàn là yếu tố then chốt |
Ảnh minh họa |
Thị trường Việt Nam đang hội tụ nhiều lợi thế để các DN fintech phát triển và phủ sóng rộng rãi. Quá trình đó cũng đang được đẩy nhanh nhờ các nỗ lực của NHNN trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm hoàn thiện hệ sinh thái fintech. Đó là những vấn đề ghi nhận từ tọa đàm “Chính sách quản lý fintech” do Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) và chuyên trang ICTnews của Báo điện tử Vietnamnet tổ chức ngày 20/8.
Hội tụ cơ hội phát triển
Ông Ngô Văn Đức - Phó Trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán thuộc Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, fintech phát triển khá mạnh mẽ ở Việt Nam trong mấy năm gần đây, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Theo thống kê không chính thức của NHNN, hiện nay có gần 150 DN fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ đạo là lĩnh vực thanh toán; trong đó có 30 tổ chức trung gian thanh toán được NHNN cấp phép với 27 đơn vị tổ chức ví điện tử. Ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như cho vay ngang hàng, cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân…
Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán của NHTM cũng rất mạnh nhờ ứng dụng công nghệ mới. Theo đó, trong quý II/2019, tốc độ phát triển của thanh toán dịch vụ ngân hàng qua mobile banking tăng trưởng 160%, một con số rất ấn tượng so với mức tăng trưởng 60 – 80% của nhiều nước trong khu vực. Đây cũng là một lợi thế để các DN fintech phát triển.
Ông Đức cho biết, đến nay khuôn khổ pháp lý đối với fintech, đặc biệt là quy định về quy chế quản lý chưa được ban hành đầy đủ. Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của fintech và vai trò đổi mới sáng tạo đối với hoạt động ngân hàng, ngay từ năm 2017 NHNN Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo fintech với nhiệm vụ chính là tham mưu cho Thống đốc để có giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái fintech tại Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho sự hình thành và phát triển DN fintech.
Về định hướng của NHNN trong năm 2019-2020, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực thanh toán, đặc biệt thanh toán điện tử; hoàn thiện cơ chế quản lý thử nghiệm cho DN fintech sau khi Thủ tướng thông qua đề án; tiếp tục nghiên cứu và xây dựng cơ sở pháp lý cho vay ngang hàng; xây dựng thông tư về giao diện lập trình mở OpenAPI; sửa đổi quy định xác thực khách hàng điện tử…
Thận trọng nhưng vẫn tạo điều kiện thúc đẩy
Đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển lĩnh vực fintech, ông Varun Mittal - Phó Chủ tịch Hiệp hội fintech Singapore, Trưởng Bộ phận tư vấn dịch vụ fintech tại các thị trường mới nổi của Ernst & Young Singapore cũng cho rằng, đầu tư nước ngoài đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của fintech, bởi các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực này đều cần có sự đầu tư về công nghệ, thị trường và nhân sự, trong khi đó các nguồn lực trong nước còn chưa đáp ứng được. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài còn cho phép DN Việt Nam tiếp cận các thành quả công nghệ mới, đặc biệt trong các lĩnh vực big data hay AI...
“Nếu muốn tạo điều kiện cho fintech Việt Nam trở thành DN khu vực, chúng ta phải giúp họ phát triển, mở rộng quy mô, tiếp cận vốn, có cơ chế quản lý linh hoạt, có thể mở rộng, không chỉ phục vụ Việt Nam mà còn trở thành người khổng lồ châu Á” ông Varun Mittal nhấn mạnh.
Khẳng định Chính phủ Việt Nam có quyết tâm trong việc thúc đẩy kinh tế số và tạo điều kiện cho fintech phát triển, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, mức độ mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam không hề thua kém so với các nước. Tuy nhiên tài chính - ngân hàng là một lĩnh vực có đặc thù riêng và phải được điều chỉnh theo luật chuyên ngành.
“Nếu như theo Luật Doanh nghiệp, các DN được làm mọi việc luật không cấm thì đối với tài chính - ngân hàng lại không hẳn là như vậy. Điểm rất khác nữa là khi nghĩ về tài chính - ngân hàng bao giờ cũng phải nghĩ về rủi ro trước do quan ngại về tác động lan toả”, ông Thành cho biết và nhấn thêm: Đối với các lĩnh vực dịch vụ, không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác cũng thường có 2 – 3 khu vực mà cơ quan quản lý khá lăn tăn, thận trọng khi mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù vậy, riêng đối với fintech, ông Thành khuyến nghị cần có một cơ chế quản lý rủi ro linh hoạt để có điều chỉnh nhanh theo sự vận động của công nghệ và thị trường. Việt Nam đã có những chính sách khá thoáng trong việc mở cửa một số lĩnh vực tài chính, cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, do đó cũng không nên quá lo ngại về việc không kiểm soát được lĩnh vực fintech nếu có các cơ chế giám sát.
Trước các vấn đề đặt ra tại tọa đàm, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) nhấn mạnh lại rằng, fintech không chỉ là các công ty cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử, hay còn gọi là các trung gian thanh toán mà fintech tại Việt Nam chia thành 10 lĩnh vực khác nhau và thanh toán chỉ là 1 trong số đó. Vì vậy quản lý fintech không chỉ là quản lý các DN trung gian thanh toán mà cả các DN công nghệ tài chính khác như cung cấp công nghệ hạ tầng blockchain hay các giải pháp liên quan đến AI, big data cũng như quản lý tài chính cá nhân…
Liên quan đến trung gian thanh toán, có nhiều mối quan ngại trong thực tiễn hoạt động 10 năm qua, thời gian gần đây cũng xuất hiện các vấn đề DN nước ngoài. Ví dụ, theo số liệu thống kê có được hết quý I/2019, đối với thị trường ví điện tử, toàn thị trường có 27 DN cung cấp dịch vụ, nhưng 90% thị phần xét cả về giá trị và số lượng giao dịch thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán có sở hữu vốn nước ngoài từ 30% đến trên 90%. Điều này đặt ra quan ngại lớn đối với cơ quan quản lý về nguy cơ thao túng thị trường vào tay DN nước ngoài.
Nhận định trong 5 năm tới, thị trường sẽ có những sự thanh lọc nhất định, DN mới sẽ được thành lập và nhiều DN fintech sẽ “ra đi” theo quy luật tất yếu của thị trường, tuy nhiên nhìn vào các diễn biến hiện nay, ông Sơn cho rằng chắc chắn sẽ có các DN kỳ lân được định giá trên 1 tỷ USD.
“Hy vọng trong 5 năm tới các DN đã được đầu tư sẽ có quy mô phát triển lớn hơn. Các cơ quan quản lý như NHNN sẽ có các chính sách, giải pháp giúp hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái fintech để phát triển ổn định và có thể cạnh tranh”, ông Sơn cam kết.