Fintech Việt hút vốn ngoại: Khi tiềm năng khai phá còn rộng mở
Hợp tác Việt Nam - Thái Lan: Cơ hội bứt phá cho các doanh nghiệp fintech | |
FCV 2019: Hỗ trợ chuyển đổi số, nâng cao phổ cập tài chính tại Việt Nam |
Dự báo đến năm 2020, quy mô thị trường Fintech Việt Nam sẽ tăng lên mức 7,8 tỷ USD |
Trusting Social - Công ty khởi nghiệp chuyên về đánh giá điểm tín dụng của Việt Nam do TS. Nguyễn An Nguyên sáng lập đã huy động được 25 triệu USD từ các nhà đầu tư Sequoia Capital, 500 Startups, BeeNext. UTC Investment bỏ 542 tỷ đồng để mua lại 65% cổ phần VNPT Epay. SEA cũng đang nắm giữ 45% VNPAY. Finhay - công ty khởi nghiệp sáng tạo lĩnh vực Fintech cũng đã gọi vốn thành công gần 1 triệu USD từ quỹ Insignia Venture Partners và một số nhà đầu tư khác.
Thị trường cũng đang có thông tin quỹ đầu tư khởi nghiệp Softbank Vision Fund và Quỹ Đầu tư quốc gia Singapore (GIC) có thể sẽ đầu tư 300 triệu USD vào nền tảng thanh toán VNPAY của Việt Nam. Nếu thành công, đây sẽ là đợt gọi vốn cho công ty Fintech lớn nhất từ trước tới nay.
Cũng trong lĩnh vực Fintech, năm 2016 ghi nhận việc quỹ đầu tư Goldman Sachs và SCPE rót 28 triệu USD vào ví điện tử Momo và nhận thêm đầu tư khủng từ Warburg Pincus (Mỹ) vào cuối năm 2018. Theo Crunchbase, số vốn đầu tư mới nhất rót vào Momo trị giá 100 triệu USD và đến nay Momo đã huy động được 133,8 triệu USD. Sàn kết nối tài chính Tima nhận được 3 triệu USD từ Belt Road Capital Managemnet cuối năm 2018...
Phải thừa nhận, các công ty Fintech có những lợi thế về công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo, cách thức tiếp cận khách hàng rộng khắp, chủ yếu hướng tới đối tượng khách hàng trẻ ưa thích trải nghiệm mới, nhanh nhạy trong nắm bắt công nghệ mới... Vậy do đâu mà thị trường tài chính Việt Nam ngày càng có cơ hội nhận được nhiều thương vụ của các nhà đầu tư ngoại cho các Fintech?
Theo chia sẻ của một chuyên gia, tính chất toàn cầu và không biên giới của Fintech đòi hỏi cần nâng cao sự hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin về những đổi mới dịch vụ tài chính trên thị trường thế giới giữa các quốc gia. Không khó để lý giải vì sao Fintech tại Việt Nam có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, bởi Fintech là lĩnh vực còn khá mới mẻ trong ngành tài chính tại Việt Nam, là mảnh đất còn rất nhiều tiềm năng khai thác.
Thực tế, dù số người sử dụng Internet, điện thoại di động chiếm hơn 70% dân số nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia còn hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ tài chính, đây cũng là cơ hội để cho các Fintech có “đất diễn” và các nhà đầu tư ngoại tìm thấy sự hấp dẫn ở điểm này.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng sẵn sàng hợp tác thúc đẩy sự phát triển của các công ty Fintech do giảm chi phí đầu tư, nghiên cứu về công nghệ mà vẫn tiếp thu, ứng dụng được các xu hướng công nghệ mới nhất. Nhiều nhà băng đang có định hướng chuyển đổi mô hình kinh doanh, dịch chuyển từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số hoặc hợp tác với các công ty Fintech, mua lại hoặc thành lập công ty hoặc dự án Fintech của ngân hàng. Ví dụ như các dự án ngân hàng số Timo của VPBank, TPBank liên kết với CTCP Misa và CTCP Finext với instant.vn để đưa ra sản phẩm “Cho vay online không tài sản đảm bảo” dành cho DNNVV...
Việc tập trung triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy phổ cập tài chính toàn diện tại Việt Nam... theo chủ trương của Chính phủ cũng sẽ tạo điều kiện về mặt định hướng và môi trường cho các công ty Fintech có cơ hội phát triển.
Trên phương diện đầu tư, việc các Fintech Việt gọi được vốn ngoại là điều tích cực, song theo chuyên gia cũng cần lưu ý tới việc khung khổ pháp lý cho hoạt động Fintech của Việt Nam còn chưa hoàn thiện. “Quy định pháp luật cần ra đời sớm để có nền tảng pháp lý chặt chẽ cho những giao dịch trong lĩnh vực Fintech được rõ ràng. Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan liên quan cũng cần có những theo dõi chặt chẽ để theo sát được những hoạt động của các công ty Fintech tại Việt Nam”, vị này nhấn mạnh.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của Fintech đối với khu vực ngân hàng - tài chính và tiềm năng phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam, cùng với chủ trương hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/3/2017, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-NHNN thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech tại NHNN.
Và ngày 12/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Theo đó, Chính phủ giao nhiệm vụ cho NHNN nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong ngân hàng và nghiên cứu cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam.