Giá dầu 10 USD/thùng: Điên khùng hay sẽ là kịch bản thực tế?
Còn xấu hơn cả kịch bản xấu
Giá dầu thô trong phiên giao dịch thứ 3 (12/1) vừa qua đã có lúc xuống dưới mức 30 USD/thùng – lần đầu tiên xuống mức này kể từ năm 2003. Cho đến lúc này, gần như không còn tổ chức nào dự đoán về khả năng giá dầu sẽ bật tăng cao do sự thiếu hụt nguồn cung như NH Goldman Sachs đã từng đưa ra vào năm 2008. Thời điểm đó, NH này cho rằng, thiếu hụt nguồn cung có thể khiến giá dầu tăng vọt tới 200 USD/thùng.
Theo nhiều dự báo, giá dầu còn giảm sâu nữa trước khi có thể phục hồi vào giữa năm nay |
Ngay trong tuần này, Morgan Stanley đã đưa ra cảnh báo, việc đồng USD tiếp tục mạnh lên có thể đẩy giá dầu thô về mức 20 USD/thùng. Cùng quan điểm này, Royal Bank of Scotland nhận định giá dầu đang trên đường về mức 16 USD/thùng với lưu ý rằng, bối cảnh thị trường hiện nay đang giống với thời điểm trước khi Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008.
Bi quan hơn, NH Standard Chartered còn dự báo giá dầu có thể về mức 10 USD/thùng với phân tích cho rằng, giá dầu giảm cùng với tâm lý thị trường đang quá xấu và mức "sàn" của giá dầu chỉ có thể được xác lập khi "toàn bộ thị trường" đạt đến điểm đồng thuận là giá đó đã sụt giảm quá xa.
Thực tế giá dầu đang tiếp tục xu hướng suy giảm mà nguyên nhân không chỉ vì vấn đề nguồn cung dư thừa mà do cả mối quan ngại nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm mạnh hơn dự báo, kéo theo đó là nhu cầu dầu mỏ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này sẽ sụt giảm mạnh hơn.
Ngay cả yếu tố căng thẳng địa chính trị bùng phát - một yếu tố thường thúc đẩy giá dầu tăng – thì dường như lúc này cũng không còn tác động nhiều đến thị trường năng lượng.
Dù các yếu tố hiện nay vẫn cho thấy giá dầu tiếp tục xu hướng suy giảm nhưng cũng có nhiều nhà quan sát cho rằng giá dầu sẽ sớm tăng lên và có thể đâu đó quanh mức 50 USD/thùng vào tháng 7 tới. Thực tế ngay cả Standard Chartered – tổ chức dự báo giá dầu có thể về mức 10 USD/thùng trong ngắn hạn – nhưng cũng dự báo sẽ có biến động tăng mạnh lên mức khoảng 65 USD/thùng trong thời gian tiếp theo.
OPEC phân rẽ
Chứng kiến giá dầu thô suy giảm mạnh và đã mất khoảng 70% so với 18 tháng trước đây, nhiều tín hiệu cho thấy một số thành viên của OPEC có thể không còn tiếp tục “chịu đựng” được nữa. “Chiến tranh” ngôn từ đã nổ ra giữa các thành viên của tổ chức này và cho thấy OPEC đang đối mặt với những rối loạn nhất định.
Ông Emmanuel Kachikwu - Chủ tịch hiện nay của OPEC đồng thời là Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria cho biết, Khối này đang xem xét đến việc tổ chức một cuộc họp khẩn, có thể vào ngay tháng tới. Vấn đề trọng tâm của cuộc họp này là việc OPEC có thể xem xét ra quyết định cắt giảm sản lượng để giúp ngăn đà giảm giá tiếp tục của “vàng đen”.
“Tôi nghĩ sẽ sớm có một cuộc họp như vậy bởi nhiều thành viên của OPEC đã cảm thấy sự cần thiết phải có một cuộc đối thoại thực sự về vấn đề này”, ông Emmanuel Kachikwu nói với hãng tin CNN.
Nhưng vào cùng ngày diễn ra phát biểu trên, một thành viên khác của OPEC là Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) lại như dội một gáo nước lạnh vào kỳ vọng này khi Bộ trưởng Năng lượng Suhail Mohammed Al Mazrouei của UAE cho rằng, chiến lược hiện nay của OPEC vẫn đang vận hành tốt và sẽ là không công bằng khi yêu cầu OPEC đơn phương cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Thị trường thì dường như phản ứng rất nhạy với các phát biểu mâu thuẫn này. Vì vào đầu phiên giao dịch ngày 12/1, thị trường đã phản ứng tích cực với giá dầu tăng trở lại mức trên 32 USD/thùng sau phát biểu của ông Emmanuel Kachikwu được đưa ra, nhưng sau đó lại nhanh chóng giảm xuống quanh mức 30 USD/thùng khi xuất hiện bình luận của Bộ trưởng Năng lượng UAE.
Trong cuộc họp tại thủ đô của Áo vào tháng 12 năm ngoái, các thành viên OPEC dù đã xuất hiện bất đồng nhưng cuối cùng vẫn thông nhất sẽ không cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong nỗ lực tham gia cuộc cạnh tranh về giá để không mất thị phần. Một cuộc họp định kỳ của Khối này được dự kiến tổ chức vào ngày 2/6 tới.
Tuy nhiên, mức độ biến động giảm của giá dầu từ đó đến nay còn mạnh hơn nên một số nước thành viên đã bắt đầu hối thúc phải tổ chức cuộc họp sớm hơn để bàn về vấn đề này.
Trong các quốc gia thành viên OPEC, có những nước vẫn kiếm được lợi nhuận khi giá dầu ở mức hiện nay. Tuy nhiên cũng có những nước tiếp tục sản xuất chỉ là để giữ thị phần, còn thực sự họ đã chịu thiệt hại.
Đơn cử, chi phí sản xuất dầu mỏ của Nigeria hiện ước tính khoảng 31 USD/thùng, như vậy thì gần như “lấy công làm lãi” cũng không có. Tuy nhiên có một điểm chung mà tất cả các nước OPEC đều phải gánh chịu hiện nay là thu ngân sách của chính phủ đang bị thu hẹp rất mạnh do giá dầu giảm.
Theo ông Kachikwu, hầu hết các thành viên OPEC đều đang thấy nền kinh tế của mình gặp khó khăn hơn. "Chúng ta cần phải tính toán xem làm cách nào có thể vừa bảo vệ được thị phần dầu mỏ của mình, sự tồn tại của các DN dầu mỏ cũng như sự sống còn của các nước thành viên” – vị này cho biết.
Tuy nhiên, ngay cả khi tới đây có một cuộc họp khẩn cấp như vậy thì cũng chưa chắc OPEC đã đạt được đồng thuận trong hành động nhằm hạn chế nguồn cung. Bởi Iran đang mong muốn thúc đẩy sản lượng trong năm nay ngay sau khi lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ (dự kiến sắp xảy ra), trong khi rất khó để thuyết phục Saudi Arabia hợp tác trong cắt giảm sản lượng để hỗ trợ cho giá dầu.
Nhất là khi mới đây, Saudi Arabia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi Đại sứ quán của họ tại Tehran bị tấn công. Về phía mình, Chủ tịch OPEC vẫn tin rằng theo cách nào đó, một thỏa thuận trong OPEC sẽ đạt được để hỗ trợ cho giá dầu phục hồi.