Giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải
Tòa án quá tải, trọng tài vắng vẻ | |
Giải quyết tranh chấp tín dụng: Hòa giải có nhiều lợi thế |
Theo bà Nina Mocheva, Chuyên gia Tài chính cấp cao Thị trường - Tài chính, Nhóm Ngân hàng Thế giới, để có một phương thức giải quyết hoà giải cho các tranh chấp thương mại cần rất nhiều nỗ lực. Cụ thể, cần có một cơ chế pháp lý hoàn chỉnh, khuyến khích các bên liên quan tham gia vào quá trình này từ các luật sư, doanh nghiệp... bởi khác với trọng tài, quá trình hoà giải thương mại là quá trình mang tính tự nguyện.
Ảnh minh họa |
Kinh nghiệm của Nhóm Ngân hàng thế giới về hoà giải thương mại ở nhiều quốc gia cũng cho thấy, khi bắt dầu áp dụng hoà giải thương mại, những người làm luật có thể miễn cưỡng, tuy nhiên cần thời gian để thực thi phương thức này.
“Việt Nam hiện nay chưa có luật hóa hòa giải thương mại nhưng với những hành lang pháp lý mới đã tạo nên bước đi quan trọng trong giải quyết tranh chấp thương mại bằng cả hoà giải và trọng tài”, bà Nina Mocheva đánh giá.
Ông Vũ Xuân Phong, Phó Chủ tịch VIAC chia sẻ, kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã và đang ngày càng phát triển, cùng với đó là sự phát triển của hoạt động thương mại, đồng nghĩa cũng ngày càng có nhiều tranh chấp thương mại diễn ra. Hòa giải thương mại ngày càng phát triển trên thế giới và được khuyến khích, thể chế hóa, với quy định tại Bộ Luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) được ban hành vào 2015 và Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại được Chính phủ ban hành vào năm 2017, hòa giải thương mại đã được xây dựng và có khung pháp lý để hoạt động theo pháp luật.
“Tính đến 2017, Việt Nam đã có 17 vụ việc được giải quyết bằng hòa giải thương mại, giúp các bên đạt được tiếng nói đồng thuận sau tranh chấp. Dù số vụ việc giải quyết chưa cao so với số lượng các vụ việc tranh chấp thương mại đã diễn ra, song đây là bước tiến tích cực khi các bên sử dụng hòa giải thương mại ngoài Tòa án. Các bên có thể tìm tiếng nói đồng thuận với sự hỗ trợ của các hòa giải viên thuơng mại trước khi tìm đến và sử dụng các phương pháp giải quyết tranh chấp “cứng”, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, ông Phong nói.
Theo các chuyên gia, trong quá trình hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội thúc đẩy kinh doanh, phát triển thương mại, tuy nhiên cũng ẩn chứa nhiều rủi ro và phát sinh tranh chấp. Ở một số nước, phán quyết trên cơ sở đồng thuận được tòa án và pháp luật công nhận nên việc thi hành những phán quyết này tuân theo cơ chế thực thi phán quyết của tòa án hoặc trọng tài.
Ở một số quốc gia, việc thi hành chỉ đơn giản là tòa án ban hành ra một quyết định thi hành nhằm đảm bảo phán quyết trên cơ sở đồng thuận không vi phạm chính sách công. Hiện nay, chưa có một quy định nào cụ thể về cách tiếp cận chung cho vấn đề này. Tuy vậy, cần phải nói thêm rằng theo thống kê, mức độ tuân thủ các phán quyết trên cơ sở đồng thuận (hòa giải thành công) rất cao.