Giải quyết tranh chấp tín dụng: Hòa giải có nhiều lợi thế
Giải quyết tranh chấp tín dụng bằng trọng tài |
Hàng nghìn vụ án kinh doanh đang đọng ở tòa án, “không phải vì tòa trễ nải mà vì tòa đang quá tải, tòa án và thẩm phán đang có quá nhiều việc”, Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết. Trong số hàng nghìn vụ án đó, theo tòa án, phần lớn là các vụ tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng thư ký, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, Thành viên Viện trọng tài London (MCiArb) trao đổi với GS.Michael Hwang. |
Theo thống kê, từ năm 2008 đến năm 2014, hệ thống Tòa án đã thụ lý giải quyết 81.214 vụ án kinh doanh, thương mại, bình quân khoảng 13.000 vụ/năm. Mỗi thẩm phán giải quyết hàng trăm vụ/năm, thời gian giải quyết không đáp ứng yêu cầu của pháp luật do số lượng quá lớn. Ngoài ra, việc tống đạt hồ sơ, giấy triệu tập cho các đương sự cũng gặp rất nhiều khó khăn... Tất cả khiến cho... thời gian giải quyết được một vụ án tại tòa là 400 ngày. “400 ngày là thời gian xử lý vụ án, còn hàng nghìn vụ án đang nằm tại tòa chờ đến lượt”, theo Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch BASICO.
Trong số hàng nghìn vụ đang đọng đó không đáng phải ra tòa, và hoàn toàn có thể giải quyết bằng phương thức khác - hòa giải thương mại và trọng tài thương mại. Đây là những phương thức có nhiều ưu thế và là xu hướng phổ biến trên thế giới – theo các ý kiến phát biểu tại Hội thảo "Những cơ hội và thách thức khi giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thông qua hòa giải và trọng tài” do VIAC tổ chức sáng ngày 6/6/2017.
“Các khách hàng đều mong muốn sử dụng hệ thống hòa giải trong tranh chấp nhiều hơn so với tòa án như trước đây”, bà Nina Mocheva - Chuyên gia Tài chính cấp cao, Thị trường và Tài chính, Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết.
Bà Nina Mocheva cũng khẳng định, “với phương thức trọng tài ở Việt Nam hiện nay, chúng ta đã có thể giải quyết nhiều hơn nữa những tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Phương thức hòa giải ở VIAC có ưu thế hơn so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác”.
Cho rằng “giải quyết tranh chấp ngoài tòa án là xu thế, nhất là nếu tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải”, bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2017 về hòa giải thương mại và có hiệu lực từ tháng 4/2017 đã mở ra phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với xu thế.
Bà Mai cũng có lời khuyên: Đối với các bên trong quan hệ tín dụng, nên thực hiện quyền lực của mình trước khi nhờ đến quyền lực nhà nước (Tòa án). Bên cạnh đó hãy lựa chọn hòa giải viên, trung tâm hòa giải có đủ điều kiện để hòa giải cho các tranh chấp của mình; Đưa ra các quy định bắt buộc về sử dụng hòa giải thương mại trong các hợp đồng; Sử dụng hòa giải ngay khi có tranh chấp.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc sử dụng hòa giải thương mại và trọng tài thương mại chọn để giải quyết tranh chấp tài chính ngân hàng, GS Michael Hwang đến từ Singapore nhấn mạnh “việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài nhiều ưu điểm hơn tòa án”. Đó là Bảo mật; Tiết kiệm chi phí; Lựa chọn diễn đàn, trọng tài viên, luật sư tư vấn; Tính linh hoạt và chuyên môn của hội đồng trọng tài; Phán quyết trọng tài được thực thi xuyên biên giới – 157 quốc gia đã phê chuẩn Công ước New York 1958 (Công ước về Công nhận và Thi hành Phán quyết của Trọng tài Nước ngoài); Cho phép tuỳ chỉnh thủ tục trọng tài phù hợp với điều kiện cụ thể.
Nếu không hòa giải được và phải dùng đến phương thức tố tụng thì theo GS. Michael Hwang: Tố tụng trọng tài có ưu điểm là cho phép các bên có cơ hội sử dụng các luật sư có kinh nghiệm về lĩnh vực ngân hàng ra quyết định về vụ việc, thay vì sử dụng thẩm phán của toà án quốc gia. Chọn trọng tài làm trung gian hoà giải sẽ hiệu quả hơn cho cả ngân hàng và khách hàng.