Giữ mặt bằng lãi suất ổn định
Lãi suất huy động (LSHĐ) có xu hướng điều chỉnh tăng lên trong thời gian gần đây. Nhưng qua khảo sát thực tế cho thấy các NH chỉ điều chỉnh trong biên độ hẹp tại một vài kỳ hạn nhất định với mục đích cơ cấu lại nguồn vốn.
Các NH tiếp tục giữ mặt bằng LSCV ổn định hỗ trợ DN |
Trao đổi với phóng viên Thời báo NH, một số lãnh đạo NH cho rằng, việc tăng nhẹ lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhất là kỳ hạn ngắn do các NH đã giảm sâu trước đó. Cụ thể, tại một số NHTMCP nhất là NH lớn, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn trước đó từ 1 - 5 tháng chỉ ở mức 4 - 4,8%/năm. Với mức lãi suất này, không phải khách hàng nào cũng mặn mà gửi tiền. Bởi các khách hàng đang có cơ hội đầu tư vào tài sản sinh lời khác nên họ bắt đầu rục rịch chuyển hóa tiền gửi để đầu tư khiến NH phải tăng LSHĐ.
Bình luận về xu hướng này, Tổng giám đốc VietinBank TS. Lê Đức Thọ cho rằng, những điều chỉnh trên của một vài NH cũng nằm trong cơ chế thị trường, đồng thời cần thiết để đáp ứng nhu cầu vốn tăng trưởng tín dụng của họ. “Xét trên bình diện chung của cả hệ thống NHTM thì có thể thấy rằng, điều chỉnh của một vài TCTD không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung của toàn hệ thống. Và mặt bằng lãi suất vẫn đang được duy trì ở mức rất hợp lý”, TS. Lê Đức Thọ đưa ra nhận định.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Thống đốc NHNN nhấn mạnh sẽ kiên quyết giữ ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay. Dù trong những ngày qua, LSHĐ một số NH có tăng lên, nhưng theo đánh giá của Thống đốc là không đáng kể. Ở mức độ nào đó thì có thể xem là điều cần thiết. Vì thời gian qua, lãi suất suất trên thị trường liên NH ở mức khá thấp. Về mặt điều hành, NHNN cũng muốn lãi suất nâng lên một chút để lãi suất liên NH nằm giữa lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu NHNN. “Nếu đạt mục tiêu này sẽ đảm bảo được sự hài hòa trong điều hành chính sách tiền tệ, góp phần củng cố vị thế của đồng VND.
Ở chừng mực nào đó, NHNN không khuyến khích NH tăng lãi suất cũng như giảm LSHĐ mà giữ ổn định như hiện nay”, Thống đốc đưa ra định hướng.
So với cách đây vài tháng, LSHĐ đã tăng khoảng 0,2 – 0,5% tùy từng kỳ hạn. Tuy nhiên, mỗi lần NH điều chỉnh tăng LSHĐ nhiều ý kiến lo ngại LSCV sẽ phải tăng theo. Mặc dù chi phí đầu vào tăng, nhưng lãnh đạo các NH khẳng định rất khó diễn ra làn sóng tăng LSCV, thậm chí còn điều chỉnh giảm.
Theo quan điểm của Phó tổng giám đốc HDBank TS. Lê Thành Trung không những LSCV không điều chỉnh tăng mà các NH còn phải tiết giảm chi phí để giảm lãi suất đầu ra nhằm cạnh tranh, thu hút khách hàng. Theo ông Trung, dù so với trước đây mặt bằng LSCV hiện tại đã giảm khá sâu nhưng để có khách hàng tốt thì NH vẫn phải đưa ra mức lãi suất phù hợp mới cạnh tranh được.
Đối với vấn đề LSCV, tuy trong 6 tháng đầu năm các NH đã giảm thêm khoảng 0,5%/năm nhưng Thống đốc NHNN đề nghị các TCTD nếu có điều kiện có thể giảm lãi suất cho vay trung dài hạn 1 – 1,5%/năm. Liệu từ nay đến cuối năm các NH có thể giảm được LSCV trung, dài hạn như NHNN mong muốn?
Tổng giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải cho rằng, hiện các NH đang có nguồn vốn khá dồi dào và đều muốn tăng thị phần tín dụng. Nhất là khi nền kinh tế đang có các dấu hiệu phục hồi tích cực, các NH sẽ tự chủ động điều chỉnh LSCV trung, dài hạn ở mức cạnh tranh nhất. Tất nhiên, việc đưa lãi suất tốt, cạnh tranh, sẽ tập trung vào một nhóm khách hàng có chất lượng tín dụng tốt.
Để giảm được LSCV, các NH có thể tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung vào khách hàng có chất lượng tín dụng tốt, có tiềm năng tăng trưởng, xem xét cơ cấu lãi suất thả nổi hay cố định để phù hợp với xu hướng lãi suất trong thời gian tới. Ngoài ra, NH nên cơ cấu khoản vay để nâng khả năng an toàn của khoản vay, từ đó có thể giảm LSCV.
Còn theo quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, trước diễn biến thị trường hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào các NHTM thì khó có mặt bằng LSCV trung, dài hạn thấp như kỳ vọng. Do đó, TS. Hiếu đề xuất có thể NHNN xem xét sử dụng đồng bộ các công cụ trong điều hành chính sách tiền tệ như dự trữ bắt buộc, thị trường mở…
“Trong trường hợp cấp bách NHNN có thể sử dụng nhiều hơn công cụ dự trữ bắt buộc vì có tác động nhanh, mạnh hơn thị trường mở. Trên thị trường mở, để hút tiền, NHNN phải bán tín phiếu ra thông qua cơ chế thị trường và cần một độ trễ nhất định. Còn đối với công cụ dự trữ bắt buộc, khi NHNN yêu cầu các NH điều chỉnh tăng dự trữ lên một tỷ lệ nhất định nào đó 3% hay 5% là ngay lập tức NH phải thực hiện nghĩa vụ này”, TS. Hiếu phân tích nhận định của mình.
Theo báo cáo về hoạt động NH tuần 22 - 26/6 hiện, mặt bằng LSHĐ bằng VND phổ biến ở mức 4,5% - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4% - 6,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4% - 7,2%/năm. Mặt bằng LSCV phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn ở mức 6-7%/năm; trung, dài hạn ở mức 9%-10%/năm. Đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường, LSCV ngắn hạn ở mức 7% - 9%/năm; 9,3% - 11%/năm đối với trung và dài hạn. |