Sẵn sàng vốn rẻ hỗ trợ doanh nghiệp
Agribank dành hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025 Agribank 8 năm liên tiếp trong TOP 10 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024 |
NHNN vừa có thông báo giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các NHTM. Vậy Agribank sẽ có những giải pháp, chính sách tín dụng và giảm lãi suất thế nào để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp?
Agribank cũng như các NHTM khác đã nhận được văn bản từ NHNN về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025. Theo đó, Agribank có thể tăng trưởng tín dụng lên đến 13%. Với quy mô dư nợ hiện tại của ngân hàng là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, năm 2025, ngân hàng có thể tăng quy mô cho vay thêm khoảng 230 nghìn tỷ đồng so với năm 2024. Với dự báo xu hướng và tình hình kinh tế hiện tại, Agribank nhận định năm 2025 có nhiều thuận lợi đối với hoạt động cho vay, đặc biệt khi Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng khoảng 8%, phấn đấu đạt trên 10%. Theo đó, Agribank sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn vay và giảm lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp thông qua các chương trình cho vay phù hợp.
Ngay từ đầu năm 2025, Agribank đã triển khai 4 chương trình cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp, áp dụng từ 1/1/2025 đến 31/12/2025. Các chương trình này bao gồm: Cho vay cho doanh nghiệp lớn, xuất nhập khẩu, FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất giảm từ 1,2-1,8%/năm so với lãi suất thông thường, tùy vào đối tượng, thời hạn vay và các yếu tố khác.
Đối với khách hàng cá nhân, Agribank cũng đang triển khai 5 chương trình cho vay, bao gồm: Chương trình vay tiêu dùng, vay phát triển sản phẩm OCOP, vay tín dụng xanh và một số chương trình khác với lãi suất ưu đãi.
Với quy định mới của NHNN, từ nay đến năm 2030, tín dụng nhà ở xã hội sẽ không tính vào dư nợ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Cơ chế này sẽ tạo ra dư địa như thế nào để các ngân hàng có thể triển khai hiệu quả chương trình này?
Về chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, Agribank đã đăng ký gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng để triển khai trong 10 năm. Đến nay, Agribank đã cấp tín dụng cho 13 chủ đầu tư dự án và 252 khách hàng cá nhân với tổng mức tín dụng gần 4.000 tỷ đồng, dư nợ hiện tại là 1.000 tỷ đồng.
Agribank nhận thấy nhu cầu nhà ở xã hội, đặc biệt tại các tỉnh thành có nhu cầu thực, sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Agribank sẵn sàng đáp ứng đầy đủ vốn cho các nhu cầu này.
Vì vậy, việc NHNN quy định không tính tín dụng cho vay nhà ở xã hội vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ tạo ra dư địa giúp ngân hàng có thể tập trung cho vay các lĩnh vực, chương trình tín dụng khác mà không gặp phải vướng mắc.
Xin bà cho biết những vướng mắc trong việc cho vay phát triển nhà ở xã hội đã được tháo gỡ chưa và bà có đề xuất gì cho chính sách này?
Qua theo dõi, chúng tôi thấy từ quý IV/2024, các vấn đề khó khăn về pháp lý trong việc phát triển nhà ở xã hội đã được các tỉnh, thành tháo gỡ dần. Ví dụ, nhiều chủ đầu tư phản ánh rằng trước đây các hồ sơ pháp lý có thể mất nửa năm để giải quyết, nhưng hiện nay chỉ trong hai tháng đã có thể giải quyết xong. Với sự vào cuộc quyết liệt của các chính quyền địa phương, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, việc cho vay và đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Cuối năm 2024, NHNN đã ban hành Thông tư
53/2024/TT-NHNN quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão Yagi. Agribank đã có giải pháp hỗ trợ ra sao đối với các đối tượng này?
Sau cơn bão Yagi ảnh hưởng đến 26 tỉnh thành, Agribank đã triển khai chương trình giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm cho các khách hàng được hưởng chính sách này, tùy vào mức độ bị ảnh hưởng. Tổng dư nợ Agribank đã giảm lãi suất là hơn 40.000 tỷ đồng với 39.000 khách hàng. Trước khi NHNN ban hành Thông tư 53, Agribank cũng đã thực hiện cơ cấu nợ cho các khách hàng này theo Nghị định 55 và Thông tư 02 của NHNN.
Có điều rất mừng là việc khắc phục sau bão của khách hàng rất tốt. Qua tổng kết chương trình cho vay mới nhằm hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bão Yagi, Quảng Ninh và Hải Phòng là 2 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng công tác khắc phục ở đây rất hiệu quả. Agribank đã cho vay các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại 2 tỉnh này hơn 10.000 tỷ đồng để giúp họ sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Xin cảm ơn bà!