Gỡ nút thắt tín dụng bằng giải pháp căn cơ
Chính sách tín dụng: Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô | |
Đẩy mạnh thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn | |
Chính sách tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế Tây Nguyên |
Tìm điểm nghẽn
Thời gian qua, kinh tế tư nhân, nhất là DN tư nhân đã phát triển mạnh trên nhiều phương diện và đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và vùng miền. NHNN và các TCTD cũng đã có nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, trong đó có DN tư nhân, hộ gia đình cá thể thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng NH.
Tuy nhiên, tại Tọa đàm “Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận tín dụng của các DN tư nhân” diễn ra chiều 26/7, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Tô Hoài Nam lại bày tỏ lo ngại vẫn còn 70% DNNVV trong đó DN tư nhân chiếm 98% chưa được tiếp cận nguồn vốn chính thức từ NH.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp của NHNN, DN có nhiều cơ hội tiếp cận vốn tín dụng |
Có 3 lý do khiến DN khó tiếp cận vốn NH được một số đại biểu tham gia tọa đàm chia sẻ. Thứ nhất, về mặt khách quan, do quy mô hoạt động nhỏ, chưa có chiến lược đầu tư dài hạn nên DN sử dụng vốn tự có, hoặc vay mượn người thân cho an toàn. Hai là, tuy lãi suất cho vay đã hạ nhiều nhưng khả năng tài chính chưa cho phép nên DN vẫn ngại vay. Thứ ba là DN không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn bao gồm về tài sản thế chấp, dự án, không tạo được lòng tin cho NH... Đây là điều kiện phổ biến.
Việc tín dụng không chảy tới khu vực này ảnh hưởng đến cả DN, NH và cả nền kinh tế. Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. Bởi trong tổng vốn đầu tư xã hội thì vốn NH chi phối tới 80%. Đối với DN thì 80% vốn hoạt động do NH cung ứng và đến 80% thu nhập của NH từ hoạt động tín dụng truyền thống.
“Đối với các DN thiếu vốn không thể lớn được do không có vốn mở rộng sản xuất đổi mới kỹ thuật tăng sức cạnh tranh, sẽ mãi nhỏ, lép vế thậm chí ngày càng bị thu hẹp thị phần trên sân của mình. Còn với các NH, một khi không cho vay được đối với bộ phận lớn khách hàng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, thị phần. Ở góc độ vĩ mô, khi một số lượng lớn DN không phát triển được, thì nền kinh tế khó có thể tăng trưởng, theo đó sẽ ảnh hưởng tới việc làm, thu ngân sách, vị thế quốc gia…”, ông Nguyễn Minh Phong phân tích thêm tác động khi vốn NH chưa chảy nhiều vào khu vực DN tư nhân.
Trước ý kiến nhận xét về tình hình tiếp cận vốn của DN tư nhân, tại buổi Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, ông Trần Văn Tần khẳng định: NHNN rất quan tâm chỉ đạo quyết liệt chính sách tín dụng đối với DNNVV, DN tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân là đối tượng khách hàng quan trọng của TCTD. Điều này thể hiện qua con số dư nợ của khu vực kinh tế tư nhân đến thời điểm này đạt gần 4 triệu tỷ đồng với hàng triệu khách hàng. Tỷ trọng dư nợ khu vực DN tư nhân liên tục tăng 3 năm trở lại đây. Cụ thể từ năm 2014, tỷ lệ cho vay DN tư nhân chiếm 53% và tính đến tháng 4/2017 là 66%, đóng góp tích cực vào sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng như duy trì tỷ trọng đóng góp cho GDP khu vực này ở mức 39-40%.
Đối với vấn đề DN vẫn khó tiếp cận vốn NH, ông Tần cũng thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân then chốt tác động đến quyết định cho vay của NH như năng lực quản trị, khả năng tài chính DN hạn chế, báo cáo tài chính chưa được công khai minh bạch… nên NH không có cơ sở thẩm định cho vay. Ông Tô Hoài Nam cũng thừa nhận những hạn chế mà DN tư nhân đang mắc phải và tỏ ra thông cảm đối với các NH về thực tế cho vay hiện nay bị áp lực do lo ngại hình sự hóa nên không dám mạnh dạn cho vay tín chấp. Trên thực tế NH không thiếu vốn mà chỉ đang thiếu niềm tin đối với DN nên chưa có giải pháp đột phá đối với phân khúc khách hàng này.
Để gỡ nút thắt
Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trên, ông Nam cho rằng, một trong những giải pháp căn cơ đầu tiên là ở sự thay đổi về cách đánh giá, nhìn nhận về phía NH. NH không nên coi cả 70% số lượng DNNVV là không đáp ứng được điều kiện vay vốn NH, đều tiềm ẩn rủi ro. Thay vào đó, NH nên cố gắng, tìm hiểu, sàng lọc DN để chọn ra những DN tiềm năng phát triển để cho vay vốn, dù chỉ 10% cũng được. Và để giúp DN thích nghi dần, bản thân NH cũng cần sự thay đổi, xây dựng lại điều kiện cho vay cho phù hợp thực tiễn. Còn hiện tại, sự quá thận trọng của các NH trong cấp tín dụng đối với DN tư nhân rất khó để cải thiện quan hệ tín dụng.
Giải pháp căn cơ thứ hai được ông Nam gợi ý đó là tăng cường cho vay tín chấp. Đối với đề xuất này, ông Trần Văn Tần cho hay, NHNN đã và sẽ khuyến khích TCTD cho vay tín chấp, cho vay không có tài sản bảo đảm đồng thời nâng cao trình độ thẩm định của cán bộ tín dụng, đánh giá tín nhiệm khách hàng, chủ động đưa ra các sản phẩm đặc thù phù hợp với khách hàng…
Một trong những giải pháp quan trọng nữa để tạo điều kiện tốt nhất cho DN đặc biệt DNNVV, DN tư nhân tiếp cận vốn được đề cập tới là triển khai tốt Luật DNNVV vừa được Quốc hội thông qua. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng hỗ trợ DN như quy định tổ chức hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ hỗ trợ DNNVV...
“NHNN phối hợp với các bộ ngành triển khai tốt Luật này. Ngoài ra ngành NH sẽ tiếp tục kết nối chặt chẽ hơn thông các chương trình kết nối NH – DN kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận vốn… Cùng với giải pháp đồng bộ của NHNN, đây là những giải pháp được kỳ vọng tạo ra giải pháp đột phá giúp tăng vốn đầu tư vào khu vực tư nhân”, ông Tần bày tỏ.
Bên cạnh nỗ lực của ngành NH, bản thân các DN cũng cần cố gắng nâng cao năng lực tài chính, thông tin phải minh bạch,... Ngay đầu tháng 7/2017, Thống đốc NHNN đã có văn bản 5358 gửi lãnh đạo các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp chỉ đạo triển khai tăng cường tiếp cận vốn tín dụng DN, DNNVV, đẩy mạnh phát huy hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV để các DN có thể tiếp cận vốn NH tốt hơn, đơn giản hoá thủ tục hành chính để đẩy nhanh thời gian tiếp cận vốn…
Thực tế tín dụng DNNVV trong 6 tháng đầu năm tăng 6,5% chiếm tỷ trọng 22% dư nợ nền kinh tế. NHNN tiếp tục kiểm soát tốt dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS, BOT. Đến cuối tháng 5 tín dụng bất động sản chỉ chiếm tỷ trọng 6% và BOT chỉ còn 1,54% trên tổng dư nợ nền kinh tế. Do đó, các DN có nhiều cơ hội tiếp cận tín dụng.