Hàn Quốc hỗ trợ dệt may Việt Nam tiếp cận kỹ thuật mới 4.0
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Vitas cho biết, quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc tăng nhanh chóng những năm qua. Trong lĩnh vực dệt may, Hàn Quốc hiện là quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 4,7 tỷ USD, chiếm 25% tổng đầu tư nước ngoài vào ngành này.
Theo đó, chương trình đào tạo thường niên mà Kitech và Vitas phối hợp tổ chức hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đồng chia sẻ kinh nghiệm thực tế về chuyển đổi số kỹ thuật số, đổi mới 3D, xu hướng thời trang toàn cầu…
Các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu kỹ thuật dệt Hàn Quốc, Tập đoàn Li&Fung, Tập đoàn CLO Visual… cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế về các công nghệ nói trên.
Theo các chuyên gia, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với các ứng dụng phổ biến của tự động hoá, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đang tạo ra cả thách thức và cơ hội cho ngành dệt may. Về lợi ích, việc áp dụng tự động hoá giúp giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất cũng giúp ngành dệt may sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm nguồn tài nguyên tự nhiên, giảm thiểu tồn kho…
Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ in 3D trong sản xuất cho phép tạo ra sản phẩm thoả mãn tối đa nhu cầu người dùng và giảm lãng phí cho nhà sản xuất, tăng thu nhập cho lao động kỹ thuật cao.
Từ đó giúp ngành dệt may Việt Nam bứt phá, thoát ra khỏi bẫy dùng nhiều lao động nhưng lương không cao, lao động không ổn định. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể chủ động trong hoạch định chiến lược, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và giảm thiểu các thách thức.
Nhận định về cơ hội của ngành dệt may Việt Nam, ông Eu Joong Kim, Tham tán thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam, nhất là gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài ra, quy định về xuất xứ cộng gộp trong EVFTA cũng sẽ giúp tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc khi các sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được tính xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU. Điều này sẽ góp phần tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam và Hàn Quốc.
Ông Eu Joong Kim cho hay, để mở rộng thị trường xuất khẩu, lợi thế chi phí nhân công thấp của dệt may Việt Nam là không đủ mà còn rất cần công nghệ hiện đại nhằm theo kịp xu hướng của thế giới.
“Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu áp dụng Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong tất cả các ngành công nghiệp để tăng sức cạnh tranh, tuy nhiên cần có kế hoạch cụ thể để triển khai”, ông Eu Joong Kim khuyến nghị.