Hành trình đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia
Nhà máy In tiền Quốc gia tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015 | |
Sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Nhà máy In tiền Quốc gia |
Tới dự Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Nhà máy In tiền Quốc gia có đồng chí Đào Minh Tú - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN, đồng chí Nguyễn Kim Anh - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN, các đồng chí Lãnh đạo đại diện Bộ Tài chính, Cục An ninh - Tài chính - Tiền tệ (Bộ Công an), Cục Thuế Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước, Đảng ủy Cơ quan Ngân hàng TW, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh Hà Nội, các ngân hàng thương mại, các đồng chí nguyên là Giám đốc, Phó Giám đốc Nhà máy In tiền Quốc gia, các đối tác nước ngoài, chuyên gia các dự án đang hợp tác với Nhà máy In tiền Quốc gia, và đông đảo cán bộ, công nhân viên của Nhà máy… |
Trong mạch nguồn xuyên suốt lịch sử 25 năm hoạt động và phát triển, Nhà máy In tiền Quốc gia đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp nhà nước công ích đặc biệt, luôn đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch in, đúc tiền với chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng thực hiện tốt công tác cung ứng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước cho nền kinh tế và đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia, Phó thống đốc Đào Minh Tú thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN biểu dương các thế hệ cán bộ tại Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đơn vị.
Cuộc vươn mình xứng tầm trọng trách
Nhà máy In tiền Quốc gia được thành lập theo Quyết định 136/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ tướng Chính phủ ngày 22/4/1991. Đây là một dấu mốc có ý nghĩa to lớn trong lịch sử hình thành và phát triển hoạt động in tiền Việt Nam cả về công nghệ, và khả năng độc lập, tự chủ trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu tiền mặt cho đất nước.
Nhà máy In tiền Quốc gia luôn đảm bảo sản xuất đầy đủ, kịp thời nhu cầu in tiền phục vụ nền kinh tế |
Còn nhớ bối cảnh vừa thành lập Nhà máy, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, lạm phát chưa ổn định, lượng tiền mặt trong lưu thông gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt là Nhà nước phát hành bổ sung khá nhiều loại tiền mệnh giá mới vào lưu thông giai đoạn 1991- 2000, nhưng Nhà máy vẫn luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong 10 năm đầu, vừa tổ chức sản xuất đảm bảo tiền mặt cho nền kinh tế, vừa đồng thời in 4 mẫu tiền mới, Nhà máy vẫn đảm bảo về cả tiến độ, chất lượng an toàn tuyệt đối.
Bước qua tuổi thứ 10 cũng là thời điểm đánh dấu bước chuyển mình vươn lên tầm cao mới của nhà máy cả về công nghệ và năng lực sản xuất để xứng tầm với nhiệm vụ, trọng trách ngày càng lớn mà Nhà nước và Ngành đã giao cho. Từ năm 2011, Nhà máy là đơn vị duy nhất đảm bảo việc in tiền phục vụ nền kinh tế. Cũng từ đây, Nhà máy được giao nhiệm vụ đặc biệt, đó là chuẩn bị sản xuất bộ tiền mới để nâng cao chất lượng đồng tiền trong lưu thông.
“Vừa đảm bảo sản xuất đầy đủ, kịp thời nhu cầu in tiền phục vụ nền kinh tế, vừa tổ chức nắm bắt công nghệ và triển khai sản xuất an toàn tuyệt đối, kịp thời bộ tiền mới theo kế hoạch phát hành của Chính phủ và NHNN là thách thức vô cùng lớn đối với nhà máy nhưng đồng thời cũng là cơ hội mới cho quá trình phát triển của Nhà máy”, Chủ tịch HĐTV Nhà máy In tiền Quốc gia Nguyễn Văn Toản cho biết.
Nhưng thử thách càng nhiều lại càng thôi thúc những quyết tâm và khát vọng cao của toàn thể Ban lãnh đạo và người lao động Nhà máy. Để rồi chỉ sau một thời gian ngắn triển khai các nhiệm vụ trên, năng lực của Nhà máy từng bước được nâng cao cả về quy mô công suất và công nghệ theo hướng hiện đại đồng bộ, trình độ đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật được nâng cao. Nhiệm vụ in ấn bộ tiền mới đã được hoàn thành xuất sắc.
Qua đó Nhà máy In tiền Quốc gia đã vươn lên là một trong số ít các nhà máy in tiền thế giới làm chủ được công nghệ in tiền trên mọi chất liệu. Nhà máy luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối, đáp ứng các yêu cầu về bảo mật bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng và an toàn lao động trong quá trình sản xuất, vận hành nhà máy.
Thách thức cho những bước chuyển mới
Cùng với việc thực thi nhiệm vụ in tiền, trong chặng đường 25 năm, Nhà máy đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện cơ chế tổ chức quản lý và vận hành nhà máy ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước và của Ngành.
Trong đó, việc kiện toàn mô hình tổ chức và cơ chế quản lý của Nhà máy phù hợp với Điều lệ tổ chức và hoạt động được Thống đốc phê duyệt tại Quyết định số 371/QĐ-NHNN ngày 21/3/2016 đánh dấu bước đột phá quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành nhà máy theo hướng đồng bộ, minh bạch, chặt chẽ nhằm tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Cùng với đó là những thách thức mới cũng đang đặt ra với cán bộ, công nhân viên nhà máy trong nhiệm vụ đáp ứng tiền mặt cho nền kinh tế những năm tiếp theo và giai đoạn sau năm 2020. Việc nâng cao năng lực sản xuất của Nhà máy vì thế vẫn đang là yêu cầu cấp thiết và khách quan, đòi hỏi Chính phủ, NHNN và Nhà máy phải có nhiều giải pháp đồng bộ, khẩn trương.
Về phần mình, Chủ tịch HĐTV Nguyễn Văn Toản cho biết Nhà máy đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ mang tính cốt lõi. Đó là: Tiếp tục cải tiến cơ cấu lại mô hình sản xuất và quản trị nhân lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng quản trị, điều hành; Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao làm chủ được công nghệ ở tất cả các công đoạn kỹ thuật; Chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh với tinh thần chủ động sáng tạo thiết thực; Đặc biệt là việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của NHNN trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy in tiền mới.
Mặc dù hiện nay, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán có giảm nhưng tỷ trọng tiền mặt vẫn tăng. Do vậy, nhu cầu về tiền mặt của nền kinh tế vẫn tăng qua các năm. Thực tế, kế hoạch in tiền năm 2016 của Nhà máy được giao nặng nề hơn các năm trước và trong một vài năm tiếp theo sẽ khó có khả năng giảm thấp hơn do yêu cầu đáp ứng nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế và cho nhu cầu dự trữ còn lớn.
Điều này đòi hỏi cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn từ Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Nhà máy cho tới sự chủ động, sáng tạo của mỗi cán bộ, công nhân viên trong việc tăng năng lực sản xuất của Nhà máy trên cơ sở tối ưu hóa năng lực hiện có, tiếp tục cải tiến công tác quản trị điều hành và quy trình quản lý sản xuất để nâng cao năng suất lao động, hạn chế tối đa tỷ lệ sản phẩm hỏng.