Hiệu quả tín dụng chính sách, nhìn từ Đà Nẵng
Ông Đoàn Ngọc Chung |
Công tác giảm nghèo được chính quyền Đà Nẵng đặt lên hàng đầu trong định hướng phát triển, xem đây là chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội... Số hộ nghèo trên địa bàn liên tục giảm qua các năm.
Trong thành công đó, có sự đóng góp không nhỏ của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) Đà Nẵng. Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi với ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc VBSP Đà Nẵng về vai trò của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo của Đà Nẵng.
Xin ông cho biết vai trò của tín dụng chính sách đối với công tác giảm nghèo của thành phố Đà Nẵng trong những năm qua?
Mặc dù chính quyền Đà Nẵng và các tổ chức chính trị, xã hội luôn nỗ lực nâng cao đời sống của người dân, song do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khách quan như thiên tai, bão lụt, đô thị hóa trên diện rộng dẫn đến nhiều hộ gia đình bị mất đất sản xuất, phải chuyển đổi nghề nghiệp… nên vẫn còn một bộ phận có hoàn cảnh khó khăn.
Trước thực tế đó, nguồn vốn tín dụng chính sách được VBSP Đà Nẵng chuyển tải đến tất cả các thôn xã, tổ dân phố trên địa bàn, thông qua cho vay ủy thác qua các hội đoàn thể. Từ đó, tạo điều kiện để người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, học tập, tạo việc làm mới… từng bước có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các chương trình tín dụng chính sách góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại Đà Nẵng.
Suốt 15 năm hoạt động, được sự quan tâm của VBSP Việt Nam, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng và sự phối hợp chặt chẽ từ các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, sự đồng tình ủng hộ của người dân, VBSP Đà Nẵng không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.
Có thể khẳng định, các chương trình tín dụng chính sách được triển khai đã đi vào cuộc sống, thực sự mang lại hiệu quả. Nhờ đó, các mục tiêu giảm nghèo của Đà Nẵng luôn về đích trước thời hạn từ 1 đến 2 năm, tùy theo từng giai đoạn, góp phần tích cực thực hiện chương trình “5 không”, “3 có” và “4 an” của Đà Nẵng.
Ông có thể nói rõ hơn về kết quả đạt được thông qua sự nỗ lực của Chi nhánh trong việc cung ứng vốn tín dụng chính sách đến tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác?
Thời gian qua, chi nhánh thực hiện cho vay 13 chương trình tín dụng từ nguồn vốn Trung ương, và 9 chương trình từ nguồn vốn địa phương, với tổng doanh số cho vay 3.894 tỷ đồng, 294.321 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ 2.444 tỷ đồng. Qua đó, khẳng định được vai trò tiếp vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu.
Sau 15 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách của VBSP Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả đáng kể, góp phần giúp 88.906 lượt hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, hoàn thành sớm đề án giảm nghèo qua các giai đoạn của thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, tạo việc làm mới cho hơn 60.677 lượt lao động; 63.472 học sinh sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; cho vay xây dựng 12.953 công trình nước sạch và 14.600 công trình vệ sinh môi trường.
Cùng đó, tín dụng chính sách cũng giúp 255 lượt hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt; 1.257 cán bộ công chức có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; 84 DNVVV, 781 hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, 36 thương nhân tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh; 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn cải thiện cuộc sống...
Để đồng vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách được phát huy hiệu quả, chi nhánh không ngừng tập trung nâng cao chất lượng tín dụng. Công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng chặt chẽ hơn. Việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay luôn thực hiện thường xuyên.
Nhất là khi VBSP thực hiện ủy thác cho các hội, đoàn thể và sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt. Hiện nợ quá hạn của chi nhánh chỉ là 0,34% (năm 2002 là 4,54%). Để có được kết quả đó, một điều quan trọng là chi nhánh luôn chú trọng nâng cao nguồn nhân lực để phục vụ nhu cầu thực tế của công việc.
Như ông nói, nguồn nhân lực quyết định hiệu quả công việc. Vậy thời gian qua, chi nhánh thực hiện công tác này như thế nào?
Với vai trò là tổ chức tín dụng đặc thù, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, việc kiện toàn mô hình quản lý luôn được chi nhánh coi trọng; tập trung huy động sức mạnh tổng hợp trong quản lý nguồn vốn và chuyển tải nguồn vốn đến tay khách hàng để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo.
Phải khẳng định rằng, đội ngũ cán bộ điều hành, tác nghiệp của chi nhánh đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm. Chi nhánh đã tiếp nhận, quản lý an toàn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước; tổ chức giải ngân trực tiếp đến người vay tại xã, phường thông qua các điểm giao dịch lưu động.
Cùng với đó, Chi nhánh cũng phối hợp với các hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở các cấp trong công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ làm uỷ thác, cho Ban quản lý Tổ TK&VV cũng như tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người vay vốn. Chi nhánh luôn chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp… để đáp ứng yêu cầu của công việc ngày càng cao.
Bên cạnh đó, các cán bộ Chi nhánh cũng có ý thức cao trong việc tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, nhằm đáp ứng tốt nhất trong việc quản lý và triển khai các chương trình tín dụng chính sách.
Chính yếu tố con người đã tạo nên sự thành công của Chi nhánh. Hoạt động của VBSP Đà Nẵng không ngừng phát triển và ngày càng ổn định. Nguồn vốn phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng được nâng lên. Chính sách tín dụng ưu đãi đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại.
Từ đó, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống, góp phần ổn định phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Đặc biệt, ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.