Hoàn thiện cơ chế pháp lý về tiền điện tử
Thành viên ECB: Bong bóng tiền điện tử đã bắt đầu 'nổ' | |
Tổng giám đốc IMF: NHTW nên cân nhắc phát hành tiền kỹ thuật số |
Theo đó, tiền điện tử là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng, bao gồm: thẻ trả trước (prepaid card), ví điện tử, tiền di động (Mobile – Money).
Trong đó, tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. Ví điện tử là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phát hành và định danh khách hàng thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng. Còn thẻ trả trước là tiền điện tử do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành, cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ.
Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung ứng và phát hành tiền điện tử dưới dạng thẻ trả trước. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cung ứng và phát hành tiền điện tử dưới dạng ví điện tử, tiền di động. Tuy nhiên, việc cung ứng và phát hành thẻ trả trước thực hiện theo quy định của NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng; việc cung ứng dịch vụ ví điện tử, tiền di động phải được NHNN cấp phép sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh về dịch vụ trung gian thanh toán quy định tại Nghị định này và tuân thủ các văn bản hướng dẫn liên quan đến cung ứng dịch vụ ví điện tử, dịch vụ tiền di động.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng bổ sung thêm dịch vụ tiền di động là dịch vụ trung gian thanh toán để các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sau khi được NHNN cấp Giấy phép có thể triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ khác có giá trị nhỏ(Mobile-Money).
Theo NHNN Việt Nam, nội dung bổ sung này thực sự cần thiết giúp cho người dân có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi với thiết bị di động được kết nối Internet đồng thời giúp thúc đẩy tài chính toàn diện. Đối với nội dung này, nhận được sự đồng thuận của một số Bộ, ngành, tuy nhiên để quản lý chặt chẽ hình thức này đòi hỏi cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh chặt chẽ tại Nghị định này.
Lý giải cho những quy định này, NHNN Việt Nam cho biết, hiện hầu hết các quốc gia trên thế giới đã ban hành các quy định về quản lý tiền điện tử, trong đó tiền điện tử được xem là phương tiện thanh toán để thực hiện các giao dịch thanh toán. Nghiên cứu khung pháp lý, chính sách và biện pháp quản lý hoạt động cung ứng tiền điện tử của một số quốc gia cho thấy, tiền điện tử không phải là một loại tiền tệ mới mà chỉ là hình thái biểu hiện của đồng tiền pháp định dưới dạng công cụ hoặc phương tiện thanh toán được sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán.
Tại Việt Nam, trong các văn bản pháp lý hiện hành, thuật ngữ “tiền điện tử” đã được đề cập tại Điểm đ khoản 3 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền, tuy nhiên thuật ngữ này chưa được giải thích tại một số văn bản dưới Luật. Xét về bản chất, tiền điện tử tại Việt Nam đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật được thể hiện dưới hình thức là ví điện tử (do ngân hàng và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng) và thẻ trả trước (do ngân hàng cung ứng).
Tuy nhiên, để theo kịp xu hướng phát triển các sản phẩm thanh toán trên thế giới và thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về các phương tiện thanh toán trong nền kinh tế cũng như bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các tổ chức tham gia cung ứng sản phẩm này, việc xem xét, bổ sung các quy định để làm rõ bản chất của tiền điện tử là thực sự cần thiết và đảm bảo thống nhất, đồng bộ các quy định pháp lý hiện hành để phát triển các sản phẩm thanh toán cung cấp dưới dạng tiền điện tử và tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại điện tử.
“Việc quy định rõ bản chất, các hình thức thể hiện, đối tượng cung ứng tiền điện tử nhằm loại trừ các thể loại tiền ảo, các công cụ sử dụng như phương tiện thanh toán mà không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý...; từ đó làm cơ sở pháp lý để NHNN, các bộ ngành liên quan thực hiện có hiệu quả vai trò quản lý nhà nước”, NHNN nhấn mạnh.