Hoàn thiện pháp lý, nâng cao an toàn hệ thống
Kế hoạch hành động cải tổ hệ thống | |
Xử lý triệt để sở hữu chéo, ngăn nợ xấu phát sinh | |
Xử lý căn bản, triệt để các TCTD yếu kém |
Đảm bảo tính thống nhất
“Tiếp tục lành mạnh hoá tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế…”, “tăng cường công tác thanh tra, giám sát, quản trị rủi ro các TCTD. Tiếp tục cơ cấu lại các TCTD, xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém…” là những điểm được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 05-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về một số chủ trương, chính sách lớn trong cơ cấu lại thị trường tài chính.
Xét trong bối cảnh hiện nay, tình hình thực tế đòi hỏi hệ thống các TCTD cần có những khuôn khổ pháp lý phù hợp để lành mạnh hoá, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD được đưa ra góp ý không gì khác ngoài mục tiêu tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ giúp xử lý các TCTD yếu kém, xử lý triệt để nợ xấu bằng các hình thức phù hợp.
Một trong những vấn đề được giới chuyên gia, các nhà làm luật quan tâm là Dự thảo Luật lần này sẽ có tính thống nhất ra sao đối với các luật khác, như Bộ luật Dân sự 2015, Luật Doanh nghiệp 2014... Trao đổi về vấn đề này, một luật sư cho hay: Khi tiến hành sửa đổi Luật Các TCTD 2010 thì có thể thấy Ban soạn thảo đã có định hướng cụ thể, rõ ràng. Theo đó, mục tiêu là phù hợp với pháp luật mới của chúng ta hiện nay, cũng như phải phù hợp với cả Nghị quyết 42 của Quốc hội về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD vừa có hiệu lực.
Cũng vị luật sư này nhấn mạnh: Thậm chí là Luật Các TCTD mới được định hướng để phù hợp với các luật dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Hay nói cách khác, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD đang lấy ý kiến sẽ không chỉ phù hợp với những luật đã ban hành trong các kỳ họp gần đây, mà còn được định hướng với pháp luật trong một vài năm tới. Thêm nữa, nó phải theo các chuẩn mực về quản trị NH của Basel II, để có nền tảng theo Basel III trong tương lai.
Cũng liên quan đến tính thống nhất, có nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề lãi suất quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Các TCTD có sự mâu thuẫn. Theo Bộ luật Dân sự hiện hành, các bên cho vay theo thoả thuận nhưng không vượt quá 20% khoản vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Còn Luật Các TCTD thì cho phép thoả thuận, nhưng lại theo quy định pháp luật hiện hành. Vậy sẽ không vượt quá 20% hay là được thoả thuận?
Lý giải điều này, một chuyên gia nêu quan điểm: “Theo quy định pháp luật khác” thì sẽ ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành, chứ không phải theo pháp luật chung. Ở đây, Bộ luật Dân sự là bộ luật “cha mẹ”. Còn pháp luật chuyên ngành chúng ta đã có Thông tư 39, trong đó có quy định khi cho vay thì lãi suất các bên được tự do thoả thuận với nhau. Còn trần lãi suất 20% được áp dụng với việc cho vay phi NH, phi TCTD.
Hoàn thiện pháp luật TCTD để lành mạnh hoá, củng cố an toàn hệ thống |
Hướng tới sự đồng bộ
Pháp luật nào cũng tiến tới sự đồng bộ, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đặt vấn đề. Theo ông, nhìn lại lịch sử phát triển của Luật Các TCTD và Luật NHNN, có thể thấy hai luật này luôn song hành. Từ pháp lệnh, rồi tới Luật Các TCTD và Luật NHNN 1997, 2010. Vậy khi sửa Luật Các TCTD thì sẽ liên quan thế nào tới thẩm quyền của NHNN trong Luật NHNN? Và có nên tiến hành sửa đổi Luật NHNN luôn không? Được biết, NHNN cũng đang có kế hoạch sửa đổi toàn diện Luật Các TCTD và Luật NHNN vào sau năm 2020.
Đồng tình với ý kiến nêu ra của ông Phúc, một chuyên gia tài chính cho rằng đây là việc chắc chắn cần làm. Bởi vì, Luật NHNN ban hành cùng thời điểm Luật Các TCTD 2010. Vì vậy, Luật NHNN cũng đã có những điểm chưa phù hợp với Bộ luật Dân sự mới, hay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. “Tôi cho rằng nên sửa đổi cùng lúc bởi nó sẽ liên quan tới thẩm quyền của các cơ quan trong NHNN”, chuyên gia này cho biết.
Chia sẻ sâu thêm, ông Phúc bàn luận: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD hiện nay nhắm vào các NH bị kiểm soát đặc biệt. Song, chúng ta cũng phải hiểu rằng không chỉ dừng lại ở các NH bị kiểm soát đặc biệt, mà còn nhắm tới các NH phá sản. Khi đề cập tới vấn đề kiểm soát đặc biệt, hẳn nhiên trong Luật NHNN cũng đã nói tới cơ quan nào sẽ phụ trách việc này. Khi sửa đổi thì liệu thẩm quyền của các cơ quan này có thay đổi hay không? Điều này chúng ta phải rà soát kỹ.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trên nguyên tắc thì Luật Các TCTD là luật cao nhất trong ngành NH. “Luật này phải được điều chỉnh đầu tiên, có thể dẫn theo những quy định pháp luật khác, để đồng bộ với Luật Các TCTD. Tôi cho rằng cần đồng bộ trong việc sửa đổi, vì chức năng của NHNN phải đồng bộ với những hoạt động của cả ngành NH. Không nên để Luật NHNN đi chậm trong việc sửa đổi so với Luật Các TCTD”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Một đại diện của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận thấy cần rà soát lại các luật, điều khoản của luật xem còn điều gì thực tiễn đang đặt ra để có điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Dự thảo Luật tập trung chủ yếu liên quan đến kiểm soát đặc biệt cũng như các biện pháp xử lý các NH yếu kém. Bàn cụ thể hơn, vị này cho rằng liên quan đến Điều 145a trường hợp NHNN đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt thì cần phải có những tiêu chí cụ thể, đánh giá nguy cơ mất khả năng thanh khoản cũng như nguy cơ mất khả năng chi trả của TCTD.
“Nếu không có tiêu chí cụ thể thì khi đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản, có nghĩa rằng đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt để xử lý cũng rất phức tạp”, vị chuyên gia đến từ Ủy ban kể trên bình luận thêm.
Điều 147a liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của ban kiểm soát đặc biệt, phần đông các quan điểm góp ý rằng nên có định hướng bổ sung cụ thể hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của ban kiểm soát đặc biệt vì theo khoản 3 Điều 148 Luật Các TCTD 2010 thì quy định ban kiểm soát đặc biệt chịu trách nhiệm về các quy định của mình trong quá trình kiểm soát. Trong đó, không có quyền hạn cụ thể, nên có nghiên cứu bổ sung.
Cũng theo đại diện Uỷ ban Giám sát tài chính, Điều 149 về đánh giá tổng thể thực trạng TCTD kiểm soát đặc biệt, cần quy định cụ thể yêu cầu các tổ chức kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tài sản, trong đó liên quan đến các kiểm soát đặc biệt, đảm bảo khả năng có thể xử lý nợ xấu của TCTD.