Kế hoạch hành động cải tổ hệ thống
Tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2016-2020: Mạnh tay với sở hữu chéo | |
Sáp nhập Ngân hàng: Phương án tối ưu tái cơ cấu TCTD | |
Tái cơ cấu TCTD đang đi đúng hướng |
Đảm bảo đủ cơ sở pháp lý
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đang được NHNN lấy ý kiến đóng góp rộng khắp và tiếp nhận nhiều kiến nghị quan trọng. Theo tham vấn của một số chuyên gia, việc được chuẩn bị kỹ càng như vậy là bởi Dự thảo Luật này bao hàm nhiều chính sách quan trọng, nội dung phức tạp mà ảnh hưởng của nó đến các chủ thể trong nền kinh tế cần được đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn.
Đánh giá một cách tổng thể, một lãnh đạo gắn bó với ngành NH lâu năm cho rằng, so với Luật hiện hành, các giải pháp đưa ra tại Dự thảo sửa đổi Luật Các TCTD nhằm cơ cấu lại hệ thống NH ngày càng lành mạnh đã tương đối đầy đủ toàn diện. Theo vị này, nếu không sửa đổi kịp thời thì với các quy định còn chung chung hiện nay sẽ rất khó cho NHNN cũng như các NHTM giải quyết những vấn đề tồn đọng, bất cập trong hệ thống NH. Đơn cử như khuôn khổ pháp lý liên quan đến quá trình kiểm soát đặc biệt của TCTD còn nhiều nội dung chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ.
Luật Các TCTD đã có quy định giao cho NHNN thực hiện sáp nhập, hợp nhất bắt buộc đối với các TCTD bị kiểm soát đặc biệt khi chủ sở hữu không tăng được vốn... Tuy nhiên Luật lại chưa có các quy định cụ thể để NHNN thực hiện quyền này. Ngoài ra, Luật Các TCTD cũng chưa có quy định cụ thể về điều chỉnh hoạt động kinh doanh của các TCTD đang bị kiểm soát đặc biệt nên việc triển khai các biện pháp phục hồi gặp nhiều khó khăn…
Các giải pháp đưa ra tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD nhằm cơ cấu lại hệ thống NH ngày càng lành mạnh |
Hay vấn đề vai trò tham gia của NH hỗ trợ các NH yếu kém khi tái cơ cấu là hết sức quan trọng và cần thiết trên các mặt về quản trị, tài chính… Song, hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể và đầy đủ về quyền và trách nhiệm hỗ trợ. “Tất cả các biện pháp đó phải được Luật thông qua đảm bảo hợp pháp hợp hiến. Luật pháp tạo điều kiện cho anh em làm việc an toàn, chứ luật pháp mà làm cho anh em vào vòng lao lý thì đau lòng lắm” - một chuyên gia trăn trở và ông cũng hy vọng khi NHNN đã nhận diện được những bất cập đang xảy ra sẽ có những giải pháp đúng đắn để giải quyết.
Là người trong tổ soạn thảo Dự thảo, Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ, khi xây dựng các quy định cũng khá căng thẳng vì Dự thảo Luật có rất nhiều quy định mới bổ sung, nhất là quy định về xử lý các NH trong diện kiểm soát đặc biệt, hỗ trợ tái cấp vốn, cho vay đặc biệt với lãi suất cụ thể ra sao… Nếu các biện pháp hỗ trợ không đủ mạnh thì khó xử lý nhanh các TCTD yếu kém. Còn nếu các biện pháp hỗ trợ quá ưu ái cho các TCTD yếu kém thì sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các TCTD khác… Đây là bài toán không hề dễ dàng cho NHNN.
Tập trung khâu hậu kiểm
Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, các cuộc thảo luận góp ý Dự thảo của NHNN trong thời gian qua khá tích cực khi đề cập tới nhiều vấn đề trọng tâm mà hệ thống NH Việt Nam đang vấp phải, cần thiết phải chỉnh sửa Luật để giải quyết dứt điểm được như sở hữu chéo, các NH yếu kém… Tuy vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo, tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lớn thao túng NH được xử lý cơ bản như: số lượng cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp xuống 3 cặp; số sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa NH và DN giảm từ 54 cặp xuống 4 cặp… nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì chưa được xử lý triệt để.
Vì thực tế cho thấy rất khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể… Thiếu các chế tài khung pháp lý khiến cả Chính phủ và NHNN đều không có đầy đủ thẩm quyền để xử lý theo luật định, còn nhiều cổ đông lớn chây ì, chống đối, bất hợp tác. Một số đại án ngân hàng xảy ra thời gian qua cũng xuất phát từ sở hữu chéo. Do đó việc bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến vấn đề trên là rất hợp lý như kiểm soát tỷ lệ sở hữu, mua bán chuyển nhượng cổ phần của các TCTD cùng với điều kiện chặt chẽ kèm theo.
Đánh giá các quy định trong Dự thảo làm minh bạch nguồn vốn góp của cổ đông, ngăn tình trạng sở hữu chéo, tăng vốn ảo, tuy nhiên, một thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng, quan trọng nhất là khâu hậu kiểm. Nếu quản lý, giám sát không chặt chẽ thì dù sở hữu 5% vốn điều lệ của TCTD, cổ đông lớn và người liên quan vẫn có thể “làm bừa”.
Do đó, vị này đề xuất, NHNN phải nâng tầm vai trò nhiệm vụ thanh tra giám sát để phát hiện sớm những sai phạm của các cổ đông lớn. Phòng ngừa bao giờ cũng tốt hơn là chữa trị. Cơ quan Thanh tra, giám sát cần sử dụng các công cụ cả cũ lẫn mới để hiểu rõ các NH thuộc quản lý của mình. Sự kết hợp giữa báo cáo tài chính và thanh tra tại chỗ, phối hợp thường xuyên với kiểm toán viên và ban điều hành NH sẽ tạo cơ sở tốt cho việc phát hiện sớm các vấn đề phát sinh. Mà phát hiện sớm giúp cho cơ quan quản lý sớm chỉnh sửa trước khi NH có nguy cơ bị mất khả năng thanh toán.
Để Dự thảo Luật được sớm hoàn tất, TS. Thành cho rằng, nên làm rõ hơn cách tiếp cận là sửa đổi một số điều trong Luật hay sửa đổi cả Luật Các TCTD. Nếu sửa đổi một số điều trong Luật hướng giải quyết nhanh hơn, và xử lý ngay được bất cập đang làm cản trở quá trình phát triển hệ thống NH nói riêng cả nền kinh tế nói chung. Còn sửa cả Luật thì cách tiếp cận vấn đề đầy đủ, toàn diện hơn. “Mỗi cách tiếp cận có cái hay cái dở riêng khó có thể đòi hỏi sự hoàn hảo được, vấn đề là chúng ta lựa chọn đúng cách, phù hợp với bối cảnh. Và đối với vấn đề này không có bài học chung nào mà tuỳ thuộc đặc thù của từng quốc gia”, TS. Thành lưu ý.
Một điểm mở tại Dự thảo này đó là đề cập tới cho phá sản ngân hàng. Theo đó, Chính phủ quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản, chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt theo đề nghị của NHNN. Đối với chủ trương này, theo quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức là rất tích cực. Trước đây, NHNN đã phải mua bắt buộc 0 đồng với 3 ngân hàng. Cách xử lý này theo ông Đức tuy không trái luật, song cũng đã gây ra những tranh cãi, đòi hỏi phải bổ sung thêm các quy định pháp lý. “Tất nhiên chúng ta không nên cho phá sản NH một cách đột ngột mà xử lý từ từ đưa ra lộ trình 3 - 5 năm, sau quá trình kiểm soát đặc biệt với những biện pháp hỗ trợ mà NH đó không thể vực dậy được, không xứng đáng tồn tại thì cần phải mạnh tay xử lý theo hình thức phá sản”, Luật sư Đức bổ sung thêm quan điểm.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đang được NHNN lấy ý kiến đóng góp rộng khắp và tiếp nhận nhiều kiến nghị quan trọng. Theo tham vấn của một số chuyên gia, việc được chuẩn bị kỹ càng như vậy là bởi Dự thảo Luật này bao hàm nhiều chính sách quan trọng, nội dung phức tạp mà ảnh hưởng của nó đến các chủ thể trong nền kinh tế cần được đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn. |