Hội nhập hối thúc tái cấu trúc
Hội nhập kinh tế thúc đẩy hội nhập tài chính | |
Điểm tựa vững vàng từ tái cấu trúc | |
Trợ lực ngành gạo tái cấu trúc |
Những thành công và cả bài học trong giai đoạn tái cơ cấu vừa qua trở thành những kinh nghiệm quý báu cho hệ thống TCTD trong giai đoạn tái cơ cấu tiếp theo.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, với sự quyết liệt của NHNN, thành công của ngành NH trong tái cơ cấu giai đoạn 2011- 2015 (giai đoạn I) là hoàn toàn có thể hiểu được. Vì ngay từ đầu tiên, NHNN đã chọn đúng vấn đề tái cấu trúc. “Phải biết mình cần “khâu vá” ở đâu trước hết, thì mới nghĩ đến chuyện khâu sao cho khéo, cho đẹp”.
Bài học về tái cấu trúc NH vừa qua trở thành kinh nghiệm trong giai đoạn tái cơ cấu tiếp theo |
Sau tái cơ cấu giai đoạn I, hệ thống TCTD Việt Nam tạm dừng lại ở con số 34 NHTM. Đây là những NH đáp ứng cơ bản những điều kiện để tồn tại với thị trường, tuy vậy vẫn còn có những bước cần phải thực hiện để hoàn thiện tiến trình tái cơ cấu. Top 10 NHTM Việt Nam uy tín năm 2016 theo công bố của Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy nhiều NH đã nâng cao được năng lực tài chính, có tiềm năng tăng trưởng, được khách hàng đánh giá cao về sản phẩm, dịch vụ.
Theo công bố của NHNN, tổng tài sản của toàn hệ thống NH Việt Nam đến tháng 4/2016 vào khoảng 7,5 triệu tỷ đồng. Các NHTM Nhà nước hiện đang đóng vai trò chủ đạo với trên 50% thị phần về tín dụng và gần 50% nguồn vốn huy động của toàn hệ thống.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, điều mà bản thân ông cũng như nhiều các chuyên gia quan tâm là các NH của Việt Nam, kể cả có nằm trong diện tái cơ cấu hay không vẫn phải có ý thức quản trị DN theo thông lệ quốc tế. Quản trị DN ở đây là nhắc tới vai trò của HĐQT. Chức năng của HĐQT là xây dựng định hướng cho NH và giám sát việc thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra.
Ông Hiếu chia sẻ thêm, HĐQT của một số NH phải có sự thay đổi, không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của Ban điều hành. Nếu có mục tiêu, định hướng cụ thể thì nên trao quyền cho Ban điều hành, HĐQT chỉ đứng với vai trò giám sát.
Tái cấu trúc NH không chỉ là vấn đề lớn mà còn là đòi hỏi tất yếu. Đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam đang hoà nhịp và rút dần khoảng cách với thế giới. Hội nhập mang lại cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó huyết mạch là hệ thống NH rất nhiều cơ hội và thách thức.
Đứng cùng sân chơi với nhiều “người bạn” lớn đòi hỏi chúng ta phải học cách để lớn lên mỗi ngày. Không chỉ là quản trị DN, vấn đề mà toàn hệ thống NH cần quan tâm hơn nữa để không chỉ tái cấu trúc thành công, củng cố tiềm lực, nâng cao cạnh tranh với các NH trong nước, trong khu vực cũng như trên thế giới, đặc biệt trong vấn đề quản lý rủi ro.
Các NH Việt, NH nào cũng có chính sách quản lý rủi ro nhưng quan trọng là việc thực hiện ra sao. Những tiêu chuẩn về quản lý rủi ro theo Basel I, II không mới, nhưng tại Việt Nam thì cho đến nay việc áp dụng các chuẩn mực này của các TCTD Việt Nam còn rất hạn chế. Trong khi đó, để tham gia sân chơi hội nhập, chúng ta buộc phải theo chuẩn mực quốc tế. Hay như vấn đề năng lực về vốn của NH – yếu tố đánh giá khả năng cạnh tranh của mỗi nhà băng.
Các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là vốn phải được thể hiện chính xác từ số liệu nợ xấu, quản lý tài sản minh bạch để vốn chủ sở hữu của NH phải là con số thực. Nếu nợ xấu, tài sản xấu bị che giấu thì vốn chủ sở hữu của NH có thể chứa một phần vốn ảo. Điều này khiến ngay cả khi NH áp dụng quy định của Basel, thì những chỉ số, chỉ tiêu tài chính chắc chắn sẽ bị méo mó đi, làm giảm sức cạnh tranh, lợi thế của NH.
Tái cơ cấu là liệu pháp để NH sống khoẻ, sống thực chất, tạo nền tảng để hội nhập với quốc tế. Ngược lại, tất yếu hội nhập cũng buộc các NH phải có sự sẵn sàng cho chiến lược, định hướng, loại hình phát triển để hấp dẫn hơn với khách hàng. Nhiều NH sau khi tái cấu trúc thành công trong giai đoạn I, bước sang giai đoạn 2016 - 2020, có xu hướng phát triển rộng hơn mảng bán lẻ.
Lãnh đạo một NHTM cho rằng, NH phát triển bán lẻ vì đây là xu hướng tất yếu, phù hợp trong môi trường hội nhập. Tuy nhiên theo TS. Hiếu, phát triển bán lẻ đòi hỏi rất nhiều điều kiện, trước hết là sản phẩm của NH phải hợp với nhu cầu của người dân. Thứ hai là vấn đề công nghệ thông tin, QLRR cần đi kèm bán lẻ, nếu không kiểm soát tốt thì cũng rất dễ rơi vào tình trạng nợ xấu. “Như việc thay vì có 1.000 DN để NH chăm sóc, với việc có 300.000 khách hàng chăm sóc là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau”.