Hội nhập kinh tế thúc đẩy hội nhập tài chính
Dưới lăng kính của tài chính quốc tế, Hội thảo “Hoạt động tài chính quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập mới” đã làm sáng tỏ mối liên hệ giữa hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động của nền kinh tế Việt Nam.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học công bố nghiên cứu mới nhất liên quan đến hoạt động tài chính quốc tế của Việt Nam dưới tác động của sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và sự tham gia của Việt Nam vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Khẳng định Hội nhập kinh tế thúc đẩy hội nhập tài chính và bổ sung cho nhau, hội thảo phân tích: Với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc mở cửa nền kinh tế để hội nhập tạo tiền đề cho dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kèm theo đó là sự tham gia của các định chế tài chính nước ngoài vào thị trường nội địa.
Để tạo nguồn vốn cho phát triển kinh tế, Việt Nam cũng phải thúc đẩy sự phát triển hệ thống tài chính theo hướng hiệu quả, bền vững và ngày càng có tính cạnh tranh cao nhằm hỗ trợ tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế quốc gia.
Hội thảo đã thảo luận các vấn đề quan trọng: Chính sách tỷ giá, cán cân thanh toán và thị trường tài chính quốc tế; Đầu tư quốc tế và tăng trưởng của Việt Nam; Hội nhập của hệ thống tài chính Việt Nam; Cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế và tài chính quốc tế đối với Việt Nam; Hội nhập tài chính quốc tế và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam; Các vấn đề tài chính, thuế và ngân hàng quốc tế. Các vấn đề về thể chế, công nghệ và cạnh tranh của hội nhập trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở lớn hơn.
Tác động ngược chiều của FDI đến tăng trưởng GDP và các kênh truyền dẫn, phân tích sự chèn lấn FDI đến khu vực kinh tế trong nước cũng đã được bàn luận. Sự chèn lấn này có những tác động tiêu cực đến GDP. Rà soát để sửa đổi cơ chế phân cấp FDI, tái cấu trúc nguồn FDI theo hướng có trọng tâm trọng điểm như y tế, giáo dục, công nghệ cao và công nghệ sạch… là những khuyến nghị được đưa ra.
Và thông điệp chung từ hội thảo, đó là để thực hiện thành công định hướng và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, sự thành công như tiến trình thương mại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng. “Yêu cầu đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là tiếp tục duy trì trạng thái cân bằng tích cực, bền vững của cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế”, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Tài chính - Ngân hàng nói rõ thêm thông điệp.
Ngoài những điều chỉnh ngắn hạn thông qua chính sách tài chính, để củng cố và hướng tới sự cân bằng bền vững của cán cân vãng lai cần phải có những tác động và thay đổi một cách đồng bộ như hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước, tạo điều kiện để thị trường phát huy tác dụng điều tiết, phân bổ một cách hiệu quả các nguồn lực (vốn, tư liệu sản xuất, sức lao động, công nghệ) và sản phẩm hàng hóa giữa sản xuất và tiêu dùng trong và ngoài nước, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bước đột phá mang tính then chốt chính là vai trò của Nhà nước trong việc cải thiện hành lang pháp lý và đổi mới cơ chế, chính sách quản lý kinh tế để sớm ổn định môi trường vĩ mô và lành mạnh hóa nền kinh tế.
Ba “khâu then chốt” được xác định cần phải đổi mới và hoàn thiện mang tính quyết định gồm quản lý Nhà nước, năng lực của DN và sự minh bạch của thị trường trong nước. Kết quả của những thay đổi này sẽ là sự gia tăng sản lượng hàng hóa, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế.
Các vấn đề được thảo luận tại Hội thảo sẽ giúp đưa ra các khuyến nghị có giá trị cho các nghiên cứu tiếp theo cho các nhà khoa học cũng như đối với hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngân hàng thương mại và cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam.
Hội thảo do Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) và Trường Đại học Thương mại tổ chức, Tạp chí Ngân hàng bảo trợ truyền thông.