Trợ lực ngành gạo tái cấu trúc
Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu các bộ ngành liên quan thực hiện ngay các biện pháp giám sát chặt chẽ về tài chính đối với Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Đặc biệt, là trong các hoạt động tiêu thụ sản phẩm tồn đọng, thu hồi công nợ khó đòi, tái cơ cấu ngành nghề sản xuất kinh doanh…
Các NHTM đã tham gia vào các chuỗi liên kết lúa gạo như một thành viên cấp vốn và quản lý dòng tiền |
Chỉ đạo trên của Chính phủ khiến dư luận lập tức chú ý đến tình hình hoạt động và hiệu quả kinh doanh của Vinafood 2. Bởi hiện nay Tổng Công ty này vẫn đang được xem là “anh cả” trong ngành xuất khẩu lúa gạo của cả nước với mức tiêu thụ khoảng 30-40% sản lượng lúa gạo hàng hóa khu vực ĐBSCL làm ra mỗi năm.
Bên cạnh đó, việc giám sát tài chính đặc biệt với Vinafood 2 cũng khiến cho một số ý kiến lo ngại rằng liệu DN này có đang sử dụng đúng mục đích các khoản vốn vay từ các NHTM hay không? Bởi từ năm 2014 đến nay Vinafood 2 liên tiếp ký kết hợp tác với hàng loạt các NH để huy động nguồn vốn phục vụ thu mua lúa gạo chế biến XK và xây dựng vùng nguyên liệu cánh đồng mẫu lớn.
Giám sát phù hợp lộ trình
Theo tìm hiểu của TBNH, việc giám sát tài chính đặc biệt đối với Vinafood 2 là một hoạt động bình thường theo lộ trình tái cấu trúc hệ thống DNNN mà Chính phủ đang thực hiện. Bởi trước đó, ngày 6/10 Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào DN.
Theo đó, DNNN nào có các dấu hiệu mất an toàn về tài chính như: có số lỗ phát sinh năm báo cáo lớn hơn 30% so với mức lỗ kế hoạch hoặc lỗ hai năm liên tiếp trở lên khiến doanh thu thuần giảm và lợi nhuận gộp liên tiếp sẽ bị giám sát chặt chẽ. Trong khi đó, Vinafood 2 lại “đáp ứng” đầy đủ các tiêu chí mất an toàn tài chính như quy định tại Nghị định 87.
Cụ thể, trong báo cáo kiểm soát viên năm 2013 của Vinafood 2, có tới 19 đơn vị thành viên thua lỗ trong 9 tháng đầu năm 2013 với số lỗ và nợ khó đòi lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch mà Chính phủ giao vào tháng 5/2015, đáng ra Vinafood 2 phải duy trì mức tăng trưởng doanh thu bình quân 4,7%/năm và mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 4,2%.
Đến năm 2015 tổng doanh thu của Vinafood 2 phải đạt 43.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế phải ở mức 1.150 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2010-2013, Vinafood 2 đã không hoàn thành các chỉ tiêu này.
Cụ thể, sau khi đạt mức lãi cao nhất 1.450 tỷ đồng vào năm 2010 thì liên tiếp các năm sau đó lợi nhuận của Vinafood 2 sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2011 lợi nhuận của DN chỉ đạt 1.129 tỷ đồng và năm 2012 chỉ còn 300 tỷ đồng, giảm đến 829 tỷ đồng so với năm 2011.
Vốn ngân hàng vẫn chảy đều
Thừa nhận những bết bát về tài chính do kinh doanh thua lỗ các năm trước đây, nhưng ông Huỳnh Thế Năng - Tổng giám đốc Vinafood 2 cho rằng dư luận cũng cần nhìn nhận đầy đủ hơn về những nỗ lực mà Vinafood 2 đã thực hiện trong vòng hai năm trở lại đây nhằm tái cấu trúc toàn diện Tổng Công ty.
Theo đó, riêng về các hoạt động cắt lỗ, giảm lỗ ở các DN ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản, Vinafood 2 gần như đã khống chế được tình trạng phát sinh lỗ mới, giờ chỉ còn tập trung vào bán tài sản để giải quyết nợ cũ.
“Hiện số nợ cũ khó đòi của Vinafood 2 khoảng 700 tỷ đồng, Tổng Công ty đã xử lý được khoảng 80 tỷ đồng. Số còn lại đang chờ bán tài sản để xử lý dứt điểm. Số lỗ của các DN thủy sản hiện cũng đã được cắt giảm còn khoảng 320 tỷ đồng tính đến quý I/2015”, ông Năng cho biết.
Cũng theo ông Năng, hiện Vinafood 2 đang nỗ lực thực hiện các biện pháp tổ chức lại sản xuất kinh doanh và lành mạnh hóa tài chính. Trong năm 2015, Tổng Công ty đã dành khoảng 12.000 tỷ đồng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, Tổng Công ty cũng đã ký kết hợp tác toàn diện với 4 NHTM để tranh thủ nguồn vốn phục vụ thu mua lúa gạo chế biến XK và thay đổi cách thức đầu tư cho vùng nguyên liệu lúa.
Ghi nhận đến thời điểm này, Vinafood 2 đã tạo dựng được 2 chuỗi liên kết có sự tham gia của các NHTM với tư cách như là thành viên. Ở chuỗi thứ nhất, nguồn vốn vay được rót xuống Vinafood 2 thông qua các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp theo từng khâu đoạn của quá trình sản xuất - chế biến - xuất khẩu.
Ở chuỗi thứ 2, các NHTM sẽ căn cứ vào năng lực và cơ hội kinh doanh của mình để chỉ tập trung cho vay vào một hoặc một số khâu đoạn trong quá trình sản xuất - kinh doanh của chuỗi liên kết.
“Hiện việc cấp vốn của các NHTM đã ký kết với Vinafood 2 vẫn diễn ra thuận lợi. Các NH cũng đã tham gia khá tích cực vào 2 chuỗi liên kết của Tổng Công ty để cho vay vốn và quản lý dòng tiền kinh doanh. Do hầu hết các ký kết đều được cấp hạn mức tín dụng mở nên khả năng chủ động về vốn là tương đối thuận lợi” – ông Năng nói.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2015-2020, Vinafood 2 sẽ xây dựng khoảng 800 ngàn ha vùng nguyên liệu theo mô hình cánh đồng liên kết. Vì vậy, trong các năm tới nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cũng như vốn lưu động để thu mua lúa gạo chế biến XK của Vinafood 2 là rất lớn. Trong khi đó Tổng Công ty này lại phải gấp rút hoàn thành việc phê duyệt giá trị DN và đưa ra phương án cổ phần hóa vào quý I/2016.
Do vậy, có thể nhận xét rằng, trong 5-6 năm tới đây việc tái cấu trúc các DN lớn ngành lúa gạo có đạt kết quả như kỳ vọng hay không phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn của các NHTM. Đây cũng có thể xem như một sự trợ lực mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng vào lộ trình tái cấu trúc các DNNN khối ngành nông – lâm nghiệp. Tạo đòn bẩy cho Đề án tái cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp mà Chính phủ đề ra có thể hoàn thành vào năm 2020.