Điểm tựa vững vàng từ tái cấu trúc
Ngân hàng hợp tác: Khẳng định vai trò ngân hàng của các QTDND | |
Tái cơ cấu Ngân hàng Hợp tác: Sẽ cán đích thành công |
Vượt qua nhiều khó khăn thách thức, về cơ bản năm 2015, Ngân hàng hợp tác (NHHT) đã hoàn thành kế hoạch của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao, hoạt động an toàn, ổn định góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhằm đảm bảo cho hệ thống QTDND phát triển an toàn và bền vững. Quan trọng hơn, NHHT đang dần hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động làm điểm tựa hỗ trợ hệ thống QTDND trong thời gian tới.
Hướng tới một ngân hàng hiện đại
Theo lãnh đạo NHHT, công nghệ tin học luôn được NHHT xem là điểm đột phá thực hiện mục tiêu trở thành một ngân hàng đa năng hiện đại, làm tốt vai trò đầu mối của hệ thống QTDND. Chính vì vậy, trong năm 2015, NHHT đã nỗ lực triển khai và đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu tập trung tại Hưng Yên; trung tâm dự phòng, mạng truyền thông, hệ thống an toàn bảo mật giao dịch điện tử; xây dựng hệ thống ngân hàng lõi (corebanking)…
Thương hiệu NHHT ngày càng được nhận diện sâu rộng trên thị trường |
Thông tin, dữ liệu điện tử của NHHT được tin học hóa, kết nối chung toàn hệ thống, cung cấp số liệu chính xác, kịp thời, góp phần cải thiện đáng kể hoạt động nội bộ ngân hàng như: kế toán, thanh toán, tín dụng, quản trị rủi ro, thông tin khách hàng, thông tin báo cáo, thông tin tín dụng… Các dữ liệu trong hoạt động được nối mạng trực tuyến giữa các phòng, ban tại trụ sở chính và chi nhánh đảm bảo kiểm soát và phát hiện kịp thời các vấn đề phát sinh trong hoạt động cũng như đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Những điểm tựa trong công nghệ thông tin góp phần hiện đại hóa hệ thống thanh toán, đa dạng hóa hình thức huy động vốn, cho vay, dịch vụ ngân hàng điện tử với những sản phẩm tiện ích ngân hàng cung ứng cho QTDND, DN và cá nhân, mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán qua ngân hàng. Ví như bên cạnh hệ thống thanh toán chuyển tiền nội bộ, NHHT còn mở rộng thanh toán qua các kênh thanh toán như: thanh toán điện tử liên ngân hàng (Citad), thanh toán đa phương với các ngân hàng...
Với vị thế và uy tín của mình, quan hệ quốc tế ngày càng được NHHT quan tâm đẩy mạnh, qua đó nâng cao vị thế và khai thác ngày càng nhiều nguồn vốn trung và dài hạn của các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế như WB, ADB, các tổ chức phát triển của Chính phủ Nhật Bản, Tây Ban Nha, Pháp, Canada... hỗ trợ cho hệ thống QTDND.
Tổng nguồn vốn dự án quốc tế đã nhận đến 31/12/2015 đạt 1.552,7 tỷ đồng và đã được triển khai giải ngân đến các QTDND, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu nguồn vốn trung và dài hạn ổn định, hiệu quả cho NHHT để cho vay đối với các QTDND. Đây là những nền tảng quan trọng để NHHT và QTDND mang lại lợi ích cho thành viên và khách hàng, tăng cường tính liên kết hệ thống, tạo uy tín và hình ảnh, chỗ dựa tin cậy cho toàn hệ thống QTDND.
Tăng nội lực cho NHHT
Có thể nói đến hết năm năm 2015, NHHT đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại cơ bản thành công theo nội dung Quyết định 55/QĐ-NHNN ngày 5/11/2014 của Thống đốc NHNN “Phê duyệt Phương án cơ cấu lại NHHT Việt Nam đến năm 2015”.
Vốn điều lệ của NHHT đã đủ mức 3.000 tỷ đồng và NHHT đã xây dựng, trình Ngân hàng Nhà nước Phương án nâng cao năng lực tài chính để đến năm 2020 vốn điều lệ tăng được 5.000 tỷ đồng. Quy chế quản trị, điều hành và hệ thống các cơ chế, quy chế nghiệp vụ phục vụ quá trình hoạt động kinh doanh của NHHT được rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện.
Với sự triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất trong toàn hệ thống Kế hoạch số 336/KH-NHHT ngày 22/10/2013, đồng thời thực hiện Chỉ thị 02/CT-NHNN của Thống đốc NHNN, chất lượng tín dụng đã được cải thiện đáng kể, nợ xấu đã được kiểm soát ở mức an toàn. Việc xử lý nợ xấu được gắn liền với các biện pháp phòng ngừa, hạn chế và kiểm soát có hiệu quả nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai. Tính đến 31/12/2015 nợ xấu toàn hệ thống giảm cả về số tương đối và số tuyệt đối, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,61% tổng dư nợ.
Để có thể trợ lực tốt hơn cho hệ thống, NHHT đã trình Ngân hàng Nhà nước cho phép thành lập 04 Chi nhánh mới tại Hà Tĩnh, Yên Bái, Tây Ninh, Gia Lai và Phòng giao dịch Giồng Riềng - Kiên Giang hiện đang chờ ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với việc tăng chất lượng trong các mặt hoạt động nghiệp vụ, NHHT đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực bởi Ban lãnh đạo NHHT luôn nhìn nhận yếu tố con người là nhân tố quyết định thành công cho một mô hình ngân hàng hiện đại, đầu mối của các QTDND.
Trong năm 2015, NHHT chú trọng đến công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, bố trí và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tham gia các lớp đào tạo ngắn ngày nâng cao nghiệp vụ theo chuyên đề, đào tạo đại học, sau đại học, chuyển đổi bằng… Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại được thực hiện thường xuyên và đúng quy định của Nhà nước đảm bảo khoa học, phù hợp với năng lực cá nhân và tính chất công việc.
Thương hiệu NHHT ngày càng được nhận diện sâu rộng ra xã hội với hoạt động website, bản tin nội bộ, Báo cáo thường niên, Diễn đàn văn phòng điện tử của NHHT ngày càng được cải tiến phong phú, nguồn tin đa dạng. Hệ thống nhận diện thương hiệu của NHHT trong toàn hệ thống dần hoàn thiện với việc trang bị đồng phục cho cán bộ công nhân viên, áp dụng hệ thống biển hiệu thống nhất,…trên toàn quốc. Đặc biệt triển khai xây dựng hệ thống biển hiệu tại Trụ sở mới của NHHT theo hướng hiện đại, dễ nhận diện.
Nhìn về kế hoạch trung hạn 5 năm, đặc biệt là trong năm bản lề thực hiện 2016, Chủ tịch HĐQT Trần Quang Khánh cho biết, NHHT vẫn tiếp tục con đường sứ mệnh thực hiện tốt vai trò là ngân hàng đầu mối, thực hiện chức năng điều hòa vốn trong hệ thống QTDND. Những định hướng này được lượng hoá bằng các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2016 với mức tăng huy động vốn từ 15 – 20%, tăng trưởng tín dụng 13 – 15% so với năm 2015. Đồng thời phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2% tổng dư nợ.
Năm 2016, NHHT cũng dự kiến sẽ kết nạp 150 QTDND thành viên tham gia thanh toán chuyển tiền. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Dự án quốc tế ADB, WB, AFD, DID…; đẩy mạnh xúc tiến tìm kiếm thêm các dự án nước ngoài để thu hút nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn, nguồn hỗ trợ kỹ thuật cho hệ thống QTDND.