Khi Nghị quyết 42 vào thực tiễn
Dốc sức xử lý nợ xấu | |
Xử lý nợ xấu đang chuyển động | |
Mở lối cho xử lý nợ xấu |
Con nợ đã biết… sợ
Dù phải đến cuối năm nay các cơ quan liên quan mới sơ kết việc thực hiện triển khai Nghị quyết 42 (NQ 42) nhưng đến thời điểm này TS. Nguyễn Đức Kiên khẳng định, NQ 42 là bước ngoặt quan trọng đối hoạt động xử lý nợ xấu của hệ thống NH khi quyền chủ nợ đã được khẳng định giúp các NH thuận lợi hơn nhiều trong việc xử lý nợ xấu.
Hiện tại NQ 42 không còn gọi là thí điểm nữa mà đang triển khai giai đoạn đầu. Nhiều tín hiệu tích cực đã phát đi nhất là từ sau vụ VAMC tiến hành thu giữ tòa nhà SaiGon One Tower, hành vi của người đi vay nhất là các đại gia bất động sản (BĐS) đã thay đổi hoàn toàn. Thay vì chờ NH đến trao đổi về kế hoạch trả nợ thì khách hàng đã chủ động tìm đến gặp NH bàn tái cơ cấu nợ. Các NH cũng đã mạnh tay thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB) sau nhiều năm bị con nợ gây khó dễ.
Để xử lý nợ xấu nhanh, bên cạnh nỗ lực của ngành NH, các cơ quan liên quan cũng phải nhập cuộc |
Điển hình như VPBank đã thu giữ nhà của Tổng công ty xuất nhập khẩu tổng hợp 1 sau nhiều năm đeo đuổi đòi nợ. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, tuy NQ 42 có hiệu lực mới chỉ có 3 tháng (15/8/2017) chưa thể đánh giá được nhiều, nhưng hoạt động xử lý TSĐB chuyển động rõ rệt. Từ đầu tháng 9/2017 đến nay, các NH dồn dập thông báo về việc thu hồi nợ, đấu giá và rao bán TSĐB như Agribank, VietinBank, Techcombank, VPBank… và gần đây nhất LienVietPostBank thông báo thu giữ hai tài sản của khách hàng tại Ninh Bình.
Tổng giám đốc OCB ông Nguyễn Đình Tùng cũng thừa nhận thời gian đầu còn có những hoài nghi về hiệu quả của NQ 42, nhưng hiện tại thì NH lại đang rất kỳ vọng đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Khi NQ 42 đi vào thực tiễn, thái độ của khách hàng tích cực hơn. Nhiều khách hàng chủ động phối hợp bàn cách trả nợ với NH, giúp cho tốc độ xử lý các khoản nợ có chiều hướng tích cực hơn. Động thái tích cực thứ hai là rất nhiều địa phương phối hợp khá tốt. Có thể không nhanh nhưng khi NH đề nghị có sự hỗ trợ cũng đều nhận được sự đồng thuận từ địa phương.
Tổng giám đốc VAMC TS. Đoàn Văn Thắng cũng cho biết hiệu quả thể hiện rõ từ khi NQ 42 có hiệu lực. 10 tháng đầu năm VAMC đã thu hồi được 16.000 tỷ đồng và dự kiến con số này nâng lên 20.000 tỷ đồng khi kết thúc năm. Nếu tính lũy kế từ năm 2013 đến nay, VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý khoảng 66.000 tỷ đồng nợ xấu, chiếm gần 23% tổng số nợ xấu VAMC đã mua trong 4 năm qua. Ngoài ra, với việc VAMC đã được phép mua nợ xấu theo giá thị trường thì các TCTD thời gian tới có cơ hội bán nợ nhận tiền tươi thóc thật từ tổ chức này. Cụ thể, từ khi NQ 42 có hiệu lực đến nay, VAMC đã giao dịch thành công hai khoản nợ có giá trị hơn 200 tỷ đồng của hai NH.
Lợi cả đôi đường
Trao đổi với phóng viên một số lãnh đạo NH cho biết, trước đây việc xử lý nợ xấu rất khó khăn do nhiều DN bất hợp tác, tìm cách chây ì, trì hoãn việc chuyển giao TSĐB, thậm chí còn sử dụng tài sản đang thế chấp ở NH để kinh doanh trong thời gian dài. Tuy nhiên, từ khi có NQ 42, ý thức trả nợ của họ đã tốt hơn. “Không có chuyện con nợ ngang nhiên đi xe sang, ở nhà biệt thự mà nhất định không chịu hợp tác trả nợ NH. Đã có những đại gia “có số má” phải bán nhiều bất động sản đi để trả nợ NH”, TS. Kiên cho hay và theo quan sát của ông, những khoản nợ mà các NH đang công khai rao bán vẫn chỉ là "con cá bé". Những khách hàng lớn nếu không hợp tác sẽ bị phát lộ khi VAMC hay TCTD mạnh tay xử lý.
Dù không có được Luật riêng như dự định ban đầu, nhưng LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng: NQ 42 là cơ sở pháp lý quan trọng để các NH mạnh tay xử lý tài sản khê đọng và lẽ ra nghị quyết về xử lý nợ xấu phải thực hiện từ lâu nhưng thà muộn còn hơn không. Bởi nếu làm sớm thì các tài sản đã được luân chuyển thành nguồn “tiền tươi thóc thật” cho các NH và nguồn tiền đó lại quay trở ra tiếp tục tái đầu tư vào nền kinh tế.
Không chỉ tốt với người cho vay, theo quan điểm của ông Tùng, NQ 42 cũng có ý nghĩa đối với người đi vay. Khi đi vay, khách hàng xác định tâm lý từ đầu khi thế chấp NH vay vốn mà không trả được nợ, NH có biện pháp xử lý kiên quyết. Với sự nghiêm khắc này, khi vay vốn, khách hàng cũng phải cân nhắc cẩn thận hơn chứ không dễ dãi vay bừa như trước đây.
Một số NH cho biết, với diễn biến như hiện nay, từ giờ đến cuối năm, hoạt động thu giữ TSĐB cũng như mua bán nợ trên thị trường sẽ sôi động hơn nhiều. Theo chia sẻ của lãnh đạo VAMC, hiện đơn vị này đang chờ Chính phủ phê chuẩn cấp nốt số vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng để đảm bảo đủ vốn điều lệ khi thành lập là 2.000 tỷ đồng để mua nợ xấu theo giá thị trường. “Hiện VAMC đã có sẵn “hàng” chỉ đợi tiền về là mua”, lãnh đạo VAMC tiết lộ. Tuy nhiên, lãnh đạo VAMC cũng cho biết rất cẩn trọng đối với các khoản nợ mua bán theo giá thị trường. Các khoản nợ mua theo hình thức này phải đảm bảo đủ tiêu chí, cũng như tính khách quan, công khai minh bạch để người mua thuận lợi nhất. Bởi có khá nhiều TSĐB giá trị lớn, nội bộ DN vay vốn rất phức tạp, tài sản không phải một chủ mà nhiều chủ…
Trong quý IV, VAMC có khá nhiều dự định quan trọng để có đủ nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Đơn cử, VAMC cũng có đề án mua bán nợ theo giá thị trường trong đó có nội dung trình NHNN phát hành trái phiếu của VAMC và trái phiếu này sẽ được tái chiết khấu tại NHNN… “Cùng với nguồn lực hiện có và thông qua khả năng thực hiện huy động vốn của mình theo quy định được cho phép, VAMC sẽ có đủ nguồn lực để xử lý nợ xấu một cách tốt hơn, triệt để hơn”, lãnh đạo VAMC bày tỏ hy vọng.
Các chuyên gia cho rằng, để xử lý nợ xấu được nhanh, bên cạnh nỗ lực của VAMC, TCTD, các cơ quan chức năng liên quan cũng phải nhập cuộc bằng những hành động thiết thực. “Nếu trường hợp nào người dân chây ì hoặc chống đối không bàn giao tài sản, các cơ quan công an và chính quyền địa phương phải vào cuộc can thiệp để NH có thể thu giữ TSĐB một cách thuận lợi, tạo ra tiền lệ tốt trong xử lý nợ xấu cho những lần sau”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.