Không chủ quan với kết quả đã đạt được
Thủ tướng chỉ đạo nhiệm vụ 2 tháng cuối năm, chuẩn bị cho 2019 | |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần phải đoàn kết để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao | |
Kinh tế 2018: Về đích nhưng mong đừng thở dốc |
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018 diễn ra chiều 3/11, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2018 tiếp tục có bước phát triển tích cực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, đúng hướng dự báo được nêu trong các báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV.
Hiện nền kinh tế đã hoàn thành 8 chỉ tiêu Quốc hội giao |
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ; CPI bình quân 10 tháng năm 2018 tăng 3,6%, nằm trong mức kiểm soát. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng ước tăng 14,2% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,8% cao hơn mức tăng 13,2% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong 10 tháng xuất siêu đạt mức kỷ lục là 6,4 tỷ USD.
Về tình hình đầu tư, vốn FDI thực hiện trong 10 tháng ước tăng 6,3%; ngoài ra còn có hơn 5.000 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn tăng 35,8%. Cùng với đó, cả nước có gần 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1,11 triệu tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 9,2% về số vốn; có gần 28.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 22,7% so với cùng kỳ.
Trong 10 tháng vừa qua, ngành nông nghiệp phát triển tốt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng từ 51,5 điểm tháng 9 lên 53,9 điểm vào tháng 10, thể hiện sự tiếp tục cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, bên cạnh điểm tích cực, các thành viên Chính phủ cũng nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hộivẫn còn những khó khăn, thách thức. Trước hết, kết quả xếp hạng mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tuy tăng điểm nhưng lại tụt hạng nhẹ. Điều này thể hiện các yếu tố như năng lực đổi mới sáng tạo, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 còn hạn chế và cần cải thiện. Đặc biệt, “cần tiếp tục đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp để xóa bỏ rào cản trong quản lý, quyết tâm cao nhất, nhanh nhất xoá bỏ cơ chế xin-cho”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều khó khăn thách thức cũng được các thành viên Chính phủ chỉ ra là: giá xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản vẫn còn thấp, khiến số lượng xuất khẩu tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm, điển hình là các sản phẩm như điều, cao su, hạt tiêu; giải ngân vốn Trung ương tiếp tục giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước; số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể bằng gần 83% số mới thành lập, là tỷ lệ khá cao.Ngoài ra, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa còn diễn biến rất phức tạp.
Mặc dù vậy Chính phủ đánh giá, hiện đã có 8 chỉ tiêu vượt và đạt trong năm 2018, đồng thời có 9 chỉ tiêu đã đạt xấp xỉ của cả nhiệm kỳ. Những kết quả này càng củng cố thêm dự báo chúng ta sẽ vượt và đạt toàn bộ các chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho năm 2018.
Tuy nhiên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không lơ là, chủ quan với thành tích đạt được vừa qua; kiên định với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; có đối sách phù hợp, kịp thời không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Quyết liệt chỉ đạo công tác hoàn thiện pháp luật; trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, không để văn bản nợ đọng.
Tại phiên hợp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại phát biểu trước Quốc hội là kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này cao hơn so với lần trước, người thấp nhất cũng đạt 70% cả hai tiêu chí “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm”. Tuy nhiên kết quả thấp hay cao thì đều thôi thúc Chính phủ, các thành viên Chính phủ làm việc tốt hơn. Các thành viên Chính phủ cũng thống nhất cho rằng: Việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm là dịp để Chính phủ và từng thành viên nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận lại mình, lắng nghe các ý kiến, tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại; phát huy kết quả đạt được, chỉ đạo khẩn trương giải quyết những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội chất vấn, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm. |