Kinh tế 2018: Về đích nhưng mong đừng thở dốc
Hướng đi mới cho DN xuất khẩu gạo | |
Lợi nhuận nghìn tỷ của doanh nghiệp xuất khẩu | |
FDI 10 tháng: Giải ngân tăng, đăng ký giảm |
Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%. Với kết quả xuất khẩu tăng tới 41% trong tháng 1 so với cùng kỳ, nhiều ý kiến khi đó cho rằng mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra cho năm nay như vậy là quá “dè dặt”.
Ảnh minh họa |
Thế nhưng qua diễn biến từng tháng, khi mà dấu hiệu “chậm dần đều” của xuất khẩu xuất hiện (10 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ước tính chỉ còn tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó kim ngạch xuất khẩu tháng 10 giảm 1,5% so với tháng trước) mọi người mới thấy sự thận trọng là cần thiết.
Mặc dù vậy, đến thời điểm này có thể khẳng định xuất khẩu sẽ về đích trước hạn bởi chỉ cần duy trì được kim ngạch xuất khẩu như tháng 10 thôi là đã vượt mục tiêu đề ra. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu lại có xu hướng mạnh hơn trong những tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng toàn cầu cũng tăng cao hơn trong dịp này. Điểm tích cực hơn nữa là ở các ngành như nông - lâm - nghiệp, dệt may… đều không những đã, đang hoặc tiến tới cán đích mà còn vượt.
Tuy nhiên vẫn không thể chủ quan khi mà căng thẳng thương mại đang leo thang, chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy và lan rộng ra nhiều quốc gia như hiện nay. Trong bối cảnh đó, chúng ta cũng cần chuẩn bị tâm thế cho khả năng bức tranh xuất khẩu có thể sẽ không còn sáng như năm vừa qua hay năm 2017 trước đó.
Trong khi đó, nhìn lại tổng thể bức tranh xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục khi mà xuất khẩu đang phụ thuộc chủ yếu vào khu vực FDI.
Cụ thể trong tổng kim ngạch xuất khẩu 200,27 tỷ USD của 10 tháng qua, khu vực FDI (kể cả dầu thô) đóng góp tới 143,45 tỷ USD (chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu). Xuất khẩu phụ thuộc FDI vẫn là một thực tế hiện hữu, song điểm đáng lo ngại hơn cả là sự phụ thuộc vào chỉ 1-2 DN FDI lớn.
Đơn cử năm 2017, chỉ riêng Tập đoàn Samsung đã mang lại kim ngạch xuất khẩu 53,3 tỷ USD, chiếm gần 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Bởi vậy, khi những DN này hoạt động chững lại, xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Diễn biến xuất khẩu trong các tháng 7-8 là một ví dụ. Trong khi đó, về tổng thể xuất khẩu của khu vực FDI cũng đã có dấu hiệu “đuối sức”.
Câu chuyện sẽ trở về với những khuyến nghị mà nhiều chuyên gia đã từng đề cập. Tinh thần chung là sẽ phải chủ động hơn, đóng góp vào tỷ trọng xuất khẩu của các DN trong nước phải lớn hơn, đặc biệt ở những ngành hàng, lĩnh vực mà chúng ta có thế mạnh. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng cường xuất khẩu những hàng hóa tinh chế, có giá trị gia tăng cao và hạn chế xuất khẩu nguyên vật liệu sơ chế giá trị thấp.
Một điều quan trọng không kém đó là việc đề ra chỉ tiêu là cần thiết, nhưng phải dựa trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng và thận trọng. Bởi trong bối cảnh Việt Nam vẫn là nước mà tăng trưởng còn dựa nhiều vào xuất khẩu thì cần xem đây là một cuộc chạy marathon đường dài. Theo đó, việc làm sao để giữ và duy trì được “nhịp thở” đều đặn trong suốt đường đua là quan trọng. Dưới góc nhìn đó, việc chạy nhanh, thở gấp có thể giúp đạt thành tích trong một quãng đường ngắn nhưng cũng đồng thời sẽ lấy mất sức bền bỉ, dẻo dai để hoàn thành được cả cung đường dài.