Kiểm soát tín dụng bất động sản
Không nên đưa lãi suất vào kế hoạch dài hạn | |
Tín dụng tín chấp: Chỉ có thể tăng từ từ | |
Triển vọng lợi nhuận ngân hàng quý III |
Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân đầu tư trong lĩnh vực BĐS hiện nay không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà nhiều nước. Đặc biệt, với đặc điểm tâm lý của người Việt là muốn sở hữu nhà thay vì đi thuê thì nhu cầu này lại càng lớn.
Ảnh minh họa |
Đối với các tổ chức, nguồn vốn ngân sách Nhà nước chủ yếu hỗ trợ, đầu tư cho việc xây dựng trụ sở các cơ quan công vụ, cơ quan hành chính… trong khi doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS cũng khó có thể huy động qua kênh phát hành trái phiếu trong bối cảnh thị trường vốn còn chưa phát triển. Nhu cầu tín dụng lớn như vậy nhưng kênh cung ứng vốn ở Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu do hệ thống NH nên đã tạo áp lực không nhỏ với hệ thống này.
Không những thế, hiện nay huy động vốn của các NH chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn, trong khi khách hàng có nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực BĐS thường muốn vay kỳ hạn dài, nhất là thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở nhiều NH đã đưa ra các sản phẩm cho vay mua nhà trung bình từ 15 - 20 năm.
Nhu cầu vốn vay cao, chênh lệch về kỳ hạn giữa huy động và cho vay khiến các NH phải “đau đầu” trong cân đối nguồn vốn và thiết kế sản phẩm tín dụng phù hợp điều kiện thực tế của NH và mong mỏi của khách hàng.
Nói về cho vay lĩnh vực BĐS thì ở Việt Nam cũng đã từng chứng kiến thời điểm năm 2005 - 2008, mức tăng trưởng lĩnh vực tín dụng này khá nóng, mà hậu quả một phần là đến nay chúng ta đang phải vất vả trong việc xử lý nợ xấu. Bài học này cho đến giờ vẫn còn nguyên giá trị. Vì thế dù rất muốn tăng trưởng tín dụng cao nhưng các NH cũng luôn chú trọng đến kiểm soát chất lượng tín dụng, không dám mạnh tay trong cho vay BĐS.
Theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài thì hệ số rủi ro cho tín dụng BĐS được nâng lên 200% từ đầu năm 2017, thay vì mức 150% như quy định cũ.
Do đó, ít hay nhiều thì quy định trên buộc các NH phải điều chỉnh hoạt động cho vay với BĐS. Mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã chỉ đạo rất quyết liệt, điều hành theo hướng mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn và hiệu quả.
Theo đó, ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 01 và đến tháng 5, Thống đốc ban hành tiếp Chỉ thị 04, chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng đối với BĐS, tín dụng trung dài hạn hay tín dụng cho các dự án BOT, BT. Nhờ đó, mặc dù tín dụng BĐS vẫn tăng nhưng tốc độ tăng chậm lại rất nhiều so với tốc độ tăng của năm 2015.
Cụ thể, đến 31/8/2016, tín dụng BĐS tăng 6,73%, chậm so với tốc độ tăng 13,06% của cùng thời kỳ năm 2015. "Diễn biến và xu hướng này đã diễn ra rất đúng với chỉ đạo của Thống đốc NHNN", Phó Thống đốc nêu rõ.
Về phía các NHTM thì việc hệ số rủi ro với kinh doanh BĐS siết theo lộ trình và ở mức 200% chỉ đạo chung trong toàn hệ thống về cho vay lĩnh vực BĐS phải theo các quy định về chuẩn tín dụng, thẩm định chắc chắn.
Tổng giám đốc một NHTMCP cho biết, trước những cảnh báo liên quan tới tăng trưởng nóng của ngành BĐS, đặc biệt, NHNN cũng có chỉ đạo tập trung nhiều tín dụng vào các ngành kinh tế trọng tâm, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, DN ứng dụng công nghệ cao… hạn chế cho vay BĐS cao cấp, các dự án có thời gian đầu tư dài hoặc có yếu tố đầu cơ.
Trên cơ sở các yếu tố chính sách đến môi trường chung của thị trường thì các NH cũng phải tuân thủ và có quản lý chặt chẽ hơn trong cho vay BĐS nên chắc chắn tín dụng lĩnh vực này sẽ tiếp tục trong vòng kiểm soát.