Triển vọng lợi nhuận ngân hàng quý III
Đến cuối tháng 6, tổng tài sản của các TCTD đạt gần 7,9 triệu tỷ đồng | |
Không dùng lợi nhuận để đánh bóng | |
Lợi nhuận NH không dễ khởi sắc |
Cho đến lúc này, thị trường nóng lên từng ngày khi đón báo cáo tài chính quý III/2016 của các NHTM, với thông tin lỗ - lãi được chờ đón hơn lúc nào hết. Ở chặng nửa cuối, kỳ vọng trước đó đang muốn “kiểm nghiệm” trên thực tế, bởi bức tranh lợi nhuận NH quý trước có sự phân hoá rõ nét với những gam màu sáng - tối.
Thông tin mới nhất, Vietcombank vừa thông báo một số chỉ tiêu chính cho kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016. Theo đó, lợi nhuận trước trích lập dự phòng đạt 10.700 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí dự phòng và xử lý nợ xấu 4.500 tỷ đồng, giảm 4,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế còn 6.200 tỷ đồng, tăng 33,4% so với cùng kỳ.
Trích lập dự phòng đầy đủ giúp NH xác định được lợi nhuận thực của mình |
Với những chỉ tiêu mới công bố này, Vietcombank đã hoàn thành 82,7% kế hoạch năm đề ra là 7.500 tỷ đồng. Nhưng chỉ tính riêng trong quý III/2016, chi phí dự phòng của NH này xấp xỉ 1.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ tiếp tục giảm xuống 1,7% (giảm 0,04% so với lần báo cáo quý trước). Với đà này, Vietcombank có nhiều cơ sở để tin tưởng sẽ về đích thắng lợi.
Cao hơn mục tiêu của Vietcombank, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 7.900 tỷ đồng của VietinBank đề ra trong năm nay cũng nhiều khả năng sẽ được thực tế hoá. Trong 6 tháng đầu năm, nhà băng này đã tăng 10% lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 4.273 tỷ đồng.
Ngoài những điểm sáng trên, thị trường đang hồi hộp chờ đợi những con số của các NH mà ở quý II vừa rồi không được tốt lắm. Đơn cử như MB, quý II/2016 thu nhập lãi thuần giảm xuống mức 1.857 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế của MB giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, chỉ ở mức 979 tỷ đồng. Hay như Sacombank, lợi nhuận quý II chỉ đạt 147 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm lãi ròng giảm 74% xuống còn 309 tỷ đồng... Vì thế, áp lực chỉ tiêu lợi nhuận đang tăng khi các NH ở thời điểm quyết định để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư.
Theo nhận định của các chuyên gia, vài năm trở lại đây lợi nhuận của các NH có sự sụt giảm, do phải gánh nặng nợ xấu trên vai. Theo báo cáo từ vụ chức năng NHNN, 6 tháng đầu năm, các NH đã sử dụng 7.240 tỷ đồng dự phòng trích lập từ lợi nhuận để xử lý nợ xấu.
Một vài trường hợp như SCB, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 1.038 tỷ đồng khiến lợi nhuận thu về chỉ vỏn vẹn gần 67 tỷ đồng. VIB với chi phí hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 993 tỷ đồng, dự phòng rủi ro tín dụng là 348 tỷ đồng. Dù lợi nhuận thuần trước chi phí dự phòng là 651 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ còn 302 tỷ đồng.
Đề cập đến điều kiện mấu chốt của xử lý nợ xấu hiện nay ở các NHTM, theo TS. Bùi Quang Tín, vấn đề chủ yếu nằm ở tài sản đảm bảo là bất động sản (BĐS). Ông Tín cho hay: Đầu năm 2016, thị trường có ghi nhận một vài trường hợp làm “lung lay niềm tin” từ khách hàng của chủ đầu tư BĐS. Nhưng những tháng cuối năm, khi chủ đầu tư các dự án BĐS bung hàng nhiều, kết hợp với sự ấm lên của thị trường BĐS sẽ giúp cho các NH giải quyết tốt hơn vấn đề tài sản đảm bảo là BĐS.
Khi đó, hiệu ứng thị trường sẽ có hai mặt lợi: Thứ nhất là hoà nhập dự phòng theo Thông tư 09/2014/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2013/TT-NHNN) quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD. Thứ hai là khiến cho những món nợ xấu mới, phần lớn kẹt ở tài sản đảm bảo là BĐS, được giải quyết nhanh gọn hơn.
Với nhìn nhận đó, một chuyên gia tài chính dự báo, lợi nhuận NH quý III sẽ có nhiều cải thiện. Bởi so với những năm trước, ngay từ đầu năm nay, chủ trương của các NH đưa ra là trích lập dự phòng ngay từ quý đầu tiên. Lợi nhuận cuối năm vì thế cũng sẽ có sự cải thiện dần lên.
Đồng tình với quan điểm của chuyên gia, lãnh đạo một NHTMCP cũng chia sẻ rằng: Các nhà băng băn khoăn về chuyện trích lập dự phòng cao sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của mình. Nhưng các NH phải dám nhìn nhận và đối diện với thực trạng của mình.
“Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ sẽ phản ánh chính xác nhất lợi nhuận thực của NH. Như vậy, NH mới có khả năng lớn mạnh về lâu dài, và chống chịu được với những cú sốc của thị trường”, vị này nêu quan điểm.