Không nên đưa lãi suất vào kế hoạch dài hạn
Mặt bằng lãi suất mới hình thành | |
Với lãi suất USD thấp | |
Ngân hàng giảm lãi, doanh nghiệp mừng |
TS. Vũ Đình Ánh |
Tại Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020 được Chính phủ trình Quốc hội có nội dung cắt giảm lãi suất cho vay (LSCV) trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý so với mức lãi suất huy động và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Theo quan điểm của TS. Vũ Đình Ánh, không nên đưa quy định lãi suất vào kế hoạch dài hạn như vậy.
Lý do nào mà lãi suất không nên đưa vào kế hoạch trên thưa ông?
Vì mức độ phụ thuộc của LSCV tương đối nhiều. Trước hết, LSCV phụ thuộc vào lãi suất huy động, mà lãi suất huy động lại bám theo lạm phát. Năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh của các TCTD cũng là yếu tố tác động đến lãi suất. Có thể thời điểm này NH đó tốt có được lãi suất tốt. Nhưng chẳng ai nói trước được một vài năm sau NH đó có thể rơi vào tình trạng khó khăn. Thực tế này đã diễn ra. Một điều quan trọng nữa là LSCV phụ thuộc vào thị trường. Cầu vốn lớn hơn cung vốn thì LSCV sẽ theo xu hướng tăng…
Tóm lại, lãi suất là yếu tố thị trường và do thị trường quyết định, nên không có một kế hoạch nào cho lãi suất được.
Vậy, liệu có thể có mức lãi suất đảm bảo tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực?
Tôi cho rằng, rất khó để so sánh thế nào là hợp lý. Các quốc gia đều có thị trường tín dụng của mình, họ sử dụng các đồng tiền khác nhau và giá trị các đồng tiền cũng khác nhau. Ngay cả giả định hai quốc gia sử dụng một đồng tiền nhưng qua 2 NHTW với hệ thống tín dụng khác nhau thì lãi suất không thể giống nhau được. Việc so sánh phải dựa trên yếu tố đồng nhất, chứ không lẽ cả thế giới đổ dồn về một số nước lãi suất thấp để vay vốn?
Tôi cho rằng, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Đặt vấn đề so sánh LSCV trong một thị trường thì sẽ hợp lý hơn. Ví dụ, cùng điều kiện như nhau, LSCV NH nào thấp hơn thì khách hàng so sánh lựa chọn. Sự so sánh này, theo tôi, không phải đợi cơ quan quản lý, mà đối với người đi vay vốn yếu tố lãi suất người ta quan tâm hàng đầu và dễ so sánh nhất. Nên cách đặt vấn đề so sánh LSCV tại Việt Nam với các nước trong khu vực là không thỏa đáng.
Ông đánh giá thế nào về động thái giảm lãi suất của các NH trong thời điểm cuối năm?
Việc giảm lãi suất chủ yếu NH lớn mang tính định hướng thị trường. Nhưng quan trọng hơn, theo tôi là các NH muốn sử dụng công cụ lãi suất để cạnh tranh tín dụng, vì chỉ tiêu tín dụng cuối năm vẫn còn nhiều. Tất nhiên việc lo chạy chỉ tiêu tín dụng cuối năm để dự phòng cho năm sau không gắt gao như mấy năm trước đây. Hai năm trở lại đây, việc dồn tín dụng cuối năm đã bớt áp lực, do đã tăng đều qua các tháng chứ không có sự trồi sụt mạnh.
Có ý kiến cho rằng, tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu thì không nhất thiết tín dụng phải chạy hết chỉ tiêu?
Nếu nhìn con số đơn thuần thì có thể đưa ra nhận định vậy. Nhưng tín dụng tăng thời điểm này là cho tăng trưởng kinh tế năm sau chứ không phải chỉ cho năm nay. Còn tăng trưởng kinh tế hiện tại một phần từ tín dụng vay trước đấy. Do đó, việc tăng trưởng GDP năm nay không đạt thì không liên quan nhiều đến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm của NH.
Lãi suất thấp liệu kích thích người vay nhiều, tạo áp lực lên lạm phát không, thưa ông?
Đúng là giảm lãi suất có thể kích thích người vay vốn, đẩy tín dụng tăng. Nhưng đây có phải lý do gây áp lực lên lạm phát hay không thì tôi cho rằng không có cơ sở. Phân tích cụ thể hơn, có hai tình huống xảy ra khi NH bơm vốn cho DN, khách hàng.
Giả sử, NH bơm ra 10 đồng cho người vay, người sử dụng vốn tốt làm ra được những sản phẩm hàng hóa dịch vụ tương ứng với tiền đi vay, mọi chuyện ổn. Nhưng nếu người sử dụng vốn không tốt, vay 10 đồng nhưng làm ra chỉ được 7 đồng, tiền nhiều hơn hàng thì lúc này có nguy cơ lạm phát.
Qua đó cho thấy, lạm phát không liên quan đến câu chuyện lãi suất, tín dụng nhiều hay ít mà do người sử dụng vốn có hiệu quả hay không. Mà vấn đề này lại không liên quan đến NH.
Xin cảm ơn ông!