Kinh tế 6 tháng “vượt khó” thành công
Bức tranh doanh nghiệp 6 tháng: Lạc quan trong khó khăn | |
FDI 6 tháng 2019: Đột biến ở góp vốn mua cổ phần |
Hiệp định EVFTA được ký kết sẽ là một động lực mới cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế |
Vươn lên trong bối cảnh ít thuận lợi
Phát biểu tại buổi họp báo công bố các chỉ số kinh tế 6 tháng đầu năm được tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đặc biệt lưu ý, bối cảnh kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm qua không có nhiều thuận lợi đối với Việt Nam.
Căng thẳng gần đây giữa các nền kinh tế lớn khiến thương mại và đầu tư thế giới giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm sút. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định kinh tế quốc tế phải đối mặt với thời kỳ“bất trắc cao” khi 70% nền kinh tế thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển rơi vào tăng trưởng chậm lại. Các điểm nóng địa - chính trị có dấu hiệu phức tạp và tăng nhiệt…
Trong nước, nền kinh tế cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi ngày càng lây lan trên diện rộng; tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp…
Mặc dù vậy, tăng trưởng trong nước vẫn đạt những con số ấn tượng. GDP quý II/2019 ước tính tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 6 tháng, tăng trưởng đạt 6,76%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017.
Đánh giá tổng quan, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số niềm tin người tiêu dùng đạt mức kỷ lục, lạm phát được kiểm soát tốt nhất trong 3 năm, tỷ lệ thất nghiệp thiếu việc làm giảm dần, chuyển dịch lao động theo hướng bền vững, năng lực sản xuất mở rộng tạo đà cho kinh tế phát triển trong thời gian tới.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức 6 tháng đầu năm đạt 11,18%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn so với mức tăng 6 tháng đầu năm của các năm 2012-2017.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 nhìn chung ổn định. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây.
Một số chỉ tiêu khác cũng cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Đó là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tiếp tục thiết lập đỉnh mới với 245,48 tỷ USD. Đặc biệt trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu đã bổ sung thêm 2 mặt hàng mới đạt giá trị trên 2 tỷ USD là rau quả và xơ sợi. Xuất khẩu rau quả đạt mức kỷ lục vừa thể hiện ngành nông nghiệp đang khai thác tốt tiềm năng, đồng thời cũng là giải pháp tăng sản lượng bù đắp cho chăn nuôi lợn đang sụt giảm.
Bên cạnh đó, số liệu về tình hình đăng ký DN cho thấy môi trường đầu tư trong nước cũng đang cải thiện mạnh mẽ. Số DN đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm tăng 3,8% về số lượng và tăng 32,5% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tăng cao ở mức 27,7%. Thu hút FDI cũng đạt kỷ lục về số dự án đăng ký mới và vốn giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
Tăng trưởng cả năm vẫn trong tầm tay
Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, nền kinh tế còn đối diện không ít khó khăn, hạn chế. Theo đó, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại, quý II thấp hơn quý I; công nghiệp chế biến chế tạo khó duy trì tốc độ tăng cao của cùng kỳ các năm trước trong các quý tiếp theo; giải ngân đầu tư công đạt thấp; kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực giảm đáng kể, cán cân thương mại quay lại trạng thái nhập siêu nhẹ...
Đặc biệt, ngành nông nghiệp còn gặp khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng.
Dù nhận diện nhiều vấn đề khó khăn, song Tổng cục Thống kê vẫn đưa ra những dự báo lạc quan. Ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Thống kê Hệ thống tài khoản quốc gia cho rằng, với mức tăng trưởng 6 tháng đạt 6,76%, mục tiêu cả năm 2019 mà Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 01 là 6,6-6,8% là hoàn toàn khả thi.
Yếu tố hậu thuẫn đầu tiên là công nghiệp chế biến chế tạo duy trì mức tăng ổn định, thể hiện ở triển vọng của DN về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm khá lạc quan. 83,5% DN ngành chế biến chế tạo cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh quý II khả quan hơn quý I; và 88,6% dự báo quý III tăng cao hơn so với quý II. Hoạt động khu vực dịch vụ cũng diễn ra sôi động; đặc biệt là các ngành thương mại, vận tải, thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng, bảo hiểm có xu hướng tăng trưởng tốt, quý sau cao hơn quý trước.
Ngành khai khoáng tăng trưởng dương sau nhiều năm tăng trưởng âm và với tình hình hiện nay, khai thác than sẽ tiếp tục tăng trưởng cao. Tiêu dùng dân cư trên đà tăng trưởng tốt, sức cầu trong nước liên tục cải thiện. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam đứng vị trí thứ 3 thế giới, thể hiện sự lạc quan về tài chính cá nhân và mức độ sẵn sàng chi tiêu; qua đó sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Ngoài ra, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng chưa cao, nhưng thường sẽ dồn vào 6 tháng cuối năm. Các FTA có hiệu lực gần đây sẽ tác động đến hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Bích Lâm bổ sung, ngành chế biến chế tạo sẽ có một số động lực duy trì tăng trưởng 2 con số trong quý II. Chẳng hạn công nghiệp điện tử quý I tăng trưởng rất thấp nhưng quý II đã có dấu hiệu phục hồi trở lại. Một số ngành khác cũng chưa được khai thác hết công suất, như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn mới hoạt động 60% vì chưa có thị trường để tiêu thụ hết sản phẩm.
Tương tự như vậy, nhà máy thép Formosa cũng đang hoạt động cầm chừng và có dư địa để thúc đẩy mạnh hơn. Do đó nếu có giải pháp tiêu thụ sản phẩm từ các ngành này, sẽ tạo động lực tăng trưởng tốt cho các tháng cuối năm.