Bức tranh doanh nghiệp 6 tháng: Lạc quan trong khó khăn
Các thách thức về căng thẳng thương mại trên thế giới, nhiều xung đột địa chính trị, lối thoát chưa rõ ràng cho Brexit... ngày càng củng cố quan điểm tiêu cực hơn về triển vọng kinh doanh toàn cầu.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp Việt thì bức tranh đăng ký kinh doanh, cũng như cảm nhận của doanh nhân về xu hướng sắp tới, cho thấy góc độ tích cực nhất định ngay trong bối cảnh dữ liệu thực tế thể hiện không ít khó khăn.
4 thêm, 3 lướt
67 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, theo Tổng cục Thống kê, là số lượng doanh nghiệp đăng ký cao nhất trong 5 năm qua. Dù chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ về lượng doanh nghiệp thành lập mới nhưng do quy mô vốn bình quân mỗi doanh nghiệp tăng nên lượng vốn tăng 32,5%, tương đương 860,2 nghìn tỷ đồng (vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,8 tỷ đồng, tăng 27,7%).
Nếu tính cả 1.310,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2019 là 2.170,5 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có 21,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng năm nay lên gần 88,6 nghìn doanh nghiệp.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm nay là 649 nghìn người, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cũng tăng nhanh không kém: ngừng có thời hạn là 21,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; ngừng chờ làm thủ tục giải thể có 21,8 nghìn doanh nghiệp.
Ngoài ra, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2019 là 7,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể đạt khoảng 50,7 nghìn, tương đương 75,7% doanh nghiệp thành lập mới. Hay nói cách khác, cứ 4 doanh nghiệp thành lập mới thì có hơn 3 doanh nghiệp gặp khó khăn và phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.
Doanh nghiệp chế biến chế tạo vẫn lạc quan
Tuy nhiên, chỉ xét riêng lĩnh vực chế biến chế tạo, vốn là khu vực thu hút nhiều đầu tư nhất, thì doanh nghiệp tỏ ra lạc quan hơn về tình hình kinh doanh và triển vọng tăng trưởng.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2019 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy: Có 45,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm nay tốt hơn quý trước; 16,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Dự kiến quý III/2019 có 52% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 36,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đánh giá lạc quan nhất khi có tới 91,3% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2019 tốt hơn và giữ ổn định; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và ngoài Nhà nước lần lượt là 86,5% và 87,8%.
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý II/2019, có 58,4% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 44,3% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 33,7% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 30,5% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 28,4% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao và 22,3% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu là yếu tố quan trọng.
Về khối lượng sản xuất, có 47,8% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý II/2019 tăng so với quý trước; 16,3% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng ổn định.
Đánh giá về xu hướng quý III/2019, có 53,1% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 10,6% số doanh nghiệp dự báo giảm và 36,3% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Cùng với xu hướng dự báo ở quý III, có 91,9% doanh nghiệp lạc quan cho rằng 6 tháng cuối năm 2019 khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định so với 6 tháng đầu năm 2019 (58,6% số doanh nghiệp dự báo tăng; 33,3% số doanh nghiệp dự báo ổn định); chỉ có 8,1% dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Về đơn đặt hàng, có 41,4% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý II/2019 cao hơn quý trước; 16,5% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 42,1% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định.
Xu hướng quý III/2019, có 47,9% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 10,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 41,8% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.
Số lượng đơn đặt hàng mới được dự báo khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2019 với 91,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định (54,1% số doanh nghiệp dự báo tăng; 37,8% số doanh nghiệp dự báo ổn định), chỉ có 8,1% doanh nghiệp dự báo giảm.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 36,7% số doanh nghiệp có số đơn hàng xuất khẩu quý II/2019 cao hơn quý trước; 16% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm và 47,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định.
Xu hướng quý III/2019, có 41,7% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 10,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 47,9% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.