Kinh tế năm 2018: Cán đích với nhiều kỷ lục
Chất lượng, mô hình tăng trưởng có chuyển biến tích cực | |
Năm 2019, kinh tế Việt Nam sẽ bớt áp lực hơn | |
Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu theo các Nghị quyết Quốc hội |
Khởi sắc trên nhiều lĩnh vực
“GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất trong 11 năm trở lại đây”, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê mở đầu cho các dẫn chứng về một năm nhiều kỷ lục của kinh tế Việt Nam. Kết quả chung cuộc này có được là nhờ sự khởi sắc trên cả 3 khu vực sản xuất, cung cầu của nền kinh tế cùng tăng trưởng và phát triển, nền tảng vĩ mô được củng cố.
Xuất siêu xác lập kỷ lục hơn 7 tỷ USD |
Theo đó, chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra giữa các ngành mà nội bộ từng ngành cũng theo hướng tích cực. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm gần 5 điểm % so với năm 2011, nhường chỗ cho khu vực công nghiệp và xây dựng, cũng như khu vực dịch vụ.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt mức tăng trưởng 3,76%, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả. Mặt khác giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất. “So với 2 năm trước, tăng trưởng của khu vực này là kỳ tích. Bởi năm 2016 hầu như không tăng trưởng, năm 2017 tăng trên 2%. Trong kịch bản đầu năm chúng tôi cũng chỉ dám mơ ước khu vực này tăng hơn 3% mà thôi”, ông Lâm cho biết thêm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá với 8,79%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng cao 12,98%, cao hơn nhiều so với các năm 2012-2016. Ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 3,11%), nhưng mức giảm đã thu hẹp đáng kể so với năm trước. Bên cạnh đó, đây là năm thứ 3 liên tiếp công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm, cho thấy nền kinh tế đã không còn phụ thuộc vào khai thác tài nguyên. Khu vực dịch vụ tăng 7,03%, cũng cao hơn so với các năm 2012-2016.
Kỷ lục khác được thiết lập trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 482,23 tỷ USD. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính tăng 13,8% so với năm 2017, cao hơn so với chỉ tiêu đặt ra cho cả năm. Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 15,9%, cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô). Cùng với đó, cán cân thương mại cả năm 2018 xuất siêu 7,2 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay.
Về tình hình đầu tư phát triển, khu vực FDI đạt đỉnh mới trong giải ngân vốn với mức 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017. Trong năm vừa qua, khách quốc tế đến Việt Nam cũng đạt kỷ lục mới với gần 15,5 triệu lượt, tăng gần 20%. Bên cạnh đó, đã có hơn 579.000 lao động bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018, cao hơn nhiều so với con số tương ứng của năm 2016-2017 lần lượt là 462.000 và 401.000 lao động. Nhờ đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm so với năm trước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Với kết quả khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, Tổng cục Thống kê khẳng định, chất lượng tăng trưởng năm 2018 đã cải thiện mạnh mẽ. Điều này được thể hiện ở năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, cao hơn nhiều mức tăng 5,29% của năm 2016 và xấp xỉ mức tăng 6,02% của năm 2017 do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2018 tăng cao. Cùng với đó, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 5,97 năm 2018. Chỉ số ICOR 3 năm gần đây giảm cho thấy chất lượng tăng trưởng nền kinh tế tăng lên, trong đó đầu tư chủ yếu là của khu vực ngoài nhà nước, nền kinh tế không quá phụ thuộc vào đầu tư của nhà nước.
Củng cố nền tảng cho năm 2019
Chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế được cải thiện rõ nét, sẽ tạo tiền đề cho nền kinh tế duy trì phong độ trong năm 2019. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng lưu ý rằng nền kinh tế trong năm tới sẽ đối diện nhiều thách thức. Ông Nguyễn Bích Lâm phân tích, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập, kinh tế Việt Nam chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng khó lường.
Với quy mô nhỏ, nền kinh tế cũng gặp khó khăn bởi dư địa tài chính tiền tệ hạn hẹp, trong khi rủi ro gia tăng. Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, OECD đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống mức 3,5% trong năm 2019, giảm 0,2 điểm % so với dự báo ban đầu. Cùng với đó, tăng trưởng của các nền kinh tế chủ chốt không còn đồng đều trên diện rộng,các nền kinh tế đang nổi tăng trưởng chậm lại, cạnh tranh gay gắt hơn thông qua liên kết kinh tế, đồng thời bất đồng giữa các quốc gia lớn ngày càng sâu sắc. Xu hướng tăng lãi suất, giá dầu diễn biến phức tạp, kinh tế Mỹ tăng trưởng quá nóng khiến nước này tiếp tục tăng giá đồng USD… sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam.
Trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 177 trên tổng số các nền kinh tế với thứ hạng tương đối cao về y tế, sức khoẻ, quy mô thị trường. Tuy vậy các yếu tố như năng lực đổi mới sáng tạo, thị trường lao động, thể chế, khả năng tiếp cận công nghệ, cơ sở hạ tầng, hệ thống tài chính, sự năng động của DN… còn là thách thức.
Tuy nhiên trong năm vừa qua, nền kinh tế đã tạo dựng được các động lực làm nền tảng cho năm 2019 và các năm tiếp theo. Hội nhập kinh tếquốc tế chuyển sang giai đoạn mới, gắn kết với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, bắt đầu thực thi các FTA với mức độ cắt giảm thuế quan sâu rộng, triển khai các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao trên nhiều lĩnh vực… sẽ tạo động lực cải cách cho nền kinh tế, đồng thời thu hút và tận dụng FDI hiệu quả hơn trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ là nền tảng quan trọng, đóng góp lớn cho kinh tế Việt Nam. Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra giữa các ngành mà cả trong nội bộ ngành, sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng năm 2019.
Với quy mô dân số trên 90 triệu người, số lượng khách quốc tế ngày càng tăng cao, sẽ là động lực cho các ngành sản xuất cũng như dịch vụ. Bên cạnh đó, nhiều năng lực sản xuất mới được bổ sung vào nền kinh tế. Bên cạnh 3 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở và trung tâm thương mại, còn nhiều dự án như Nhà máy Vinfast, Nhà máy nhiệt điện sông Hậu, BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, Cao tốc La Sơn - Tuý Loan, nhiều nhà máy chế biến thực phẩm… đều là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2019.