Năm 2019, kinh tế Việt Nam sẽ bớt áp lực hơn
Nền tảng tài chính hỗ trợ tăng trưởng kinh tế | |
Lường trước rủi ro kinh tế dài hạn | |
Nền kinh tế có thể tăng tốc nhanh hơn?! |
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam |
Tình hình kinh tế toàn cầu sẽ còn nhiều bất định nhưng có nhiều yếu tố tích cực cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ bớt áp lực hơn, nhất là về lạm phát và tỷ giá. Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.
Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng kinh tế toàn cầu, khu vực trong năm 2019?
HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực châu Á năm 2019 có thể giảm tốc nhưng mức giảm rất nhẹ. Lý do là dù 2018 là năm tương đối khó cho tất cả các thị trường, nhất là trong bối cảnh xuất hiện chiến tranh thương mại (CTTM) Mỹ - Trung vào giữa năm và lo ngại về những tác động tiêu cực của nó, thêm vào đó là việc Fed đi vào chu kỳ tăng lãi suất, đồng USD tăng giá trong khi nhiều đồng tiền của các nước trong khu vực mất giá tạo áp lực trong điều hành CSTT của nhiều quốc gia, giá dầu tăng mạnh (trước khi bắt đầu giảm mạnh từ tháng 10)… Nhưng kinh tế toàn cầu và khu vực năm 2018 vẫn có được tăng trưởng tương đối tốt, qua đó tạo đà tích cực cho năm tới.
Về quan hệ Mỹ - Trung, dù vừa qua hai bên đã thống nhất có 90 ngày để giải quyết những CTTM - nhưng nhiều khả năng cho đến hết khoảng thời gian đó thì hai bên cũng không giải quyết được hết toàn bộ khác biệt về quan điểm, bởi không chỉ là vấn đề về thương mại mà sau đó còn nhiều vấn đề khác lớn hơn và sẽ cần một lộ trình dài hơn rất nhiều. Điều đó có nghĩa là, căng thẳng giữa hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới này sẽ còn kéo dài dai dẳng.
Trong bối cảnh đó, năm 2019 chúng ta vẫn nhìn thấy một số điểm tích cực cho kinh tế thế giới như: Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng tốt và là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng; Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình kích cầu của nền kinh tế lên để giảm sốc của CTTM; Fed đã đưa ra thông điệp giảm tần suất tăng lãi suất, và đồng USD kỳ vọng sẽ không còn tăng giá mạnh, qua đó giúp các đồng tiền trong khu vực tương đối ổn định và CSTT của nhiều nước cũng không còn chịu áp lực lớn phải thắt chặt, hay giá dầu cũng đã bước vào chu kỳ giảm nên sẽ giảm bớt áp lực cho lạm phát.
Trong bối cảnh đó, nhìn nhận của ông về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm tới?
Xét trong một môi trường nhiều biến động và bất định hơn thì bức tranh kinh tế toàn cầu và khu vực như đã nói ở trên cũng sẽ rất thuận cho Việt Nam trong năm 2019. Bên cạnh đó, những yếu tố giúp Việt Nam khác biệt so với nhiều thị trường khác là tài khoản vãng lai thặng dư, dòng vốn FDI dự báo vẫn vào tốt, xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt…
Đơn cử về FDI, chúng tôi dự báo vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2019 và thậm chí trong 3-5 năm nữa vẫn tốt. Điểm chúng ta cần lưu ý ở đây là các DN FDI là những NĐT có tầm nhìn và kế hoạch dài hạn. Do đó khi các DN FDI vào thì có nghĩa là họ vẫn nhìn thấy với một bức tranh dài hạn, ít nhất là 5-10 năm về triển vọng tăng trưởng tốt và ổn định của Việt Nam.
Nên nhìn tổng thể tôi cho rằng, 2019 vẫn là năm mà Việt Nam duy trì được KTVM ổn định và sẽ không có những biến động mạnh. Trong khi đó, lạm phát năm tới có khả năng sẽ giảm so với năm nay, bởi chúng ta thấy giá dầu đã bước vào chu kỳ giảm, tỷ giá cũng bớt áp lực hơn (khi Fed giảm tần suất tăng lãi suất, đồng USD dự báo không còn tăng giá mạnh và Trung Quốc sẽ nỗ lực giữ đồng NDT ổn định), và mặt bằng lãi suất dự báo ít có khả năng tăng.
Vậy ông nhận định thế nào về điều hành tỷ giá trong năm 2018 và xu hướng năm 2019?
Tôi cho rằng, điều hành tỷ giá trong năm 2018 rất thành công. Điều này thể hiện một mặt ở việc trong những năm qua, cơ chế tỷ giá Trung tâm đã được áp dụng, giúp cho tỷ giá danh nghĩa luôn theo sát với tỷ giá mua bán thực tế chứ không còn như trước đây nữa. Mặt khác là mình biết chấp nhận và chủ động với những biến động ở bên ngoài. Lý do nói vậy là bởi trong thời gian vừa qua, khi thấy đồng NDT mất giá thì NHNN đã chủ động điều chỉnh tỷ giá ngay, đi kèm với những cam kết kịp thời nên đã tránh được những biến động tâm lý tiêu cực.
Dựa trên những đánh giá và nhìn nhận về thị trường tài chính toàn cầu sẽ “dễ thở” hơn, nhất là khi đà tăng lãi suất của Fed sẽ chậm lại như đã nói ở trên, chúng tôi dự báo tỷ giá trong năm 2019 nhiều khả năng chỉ biến động đâu đó trong khoảng 2% đổ lại. Tất nhiên, vẫn phải lưu ý một điểm ở đây là CTTM Mỹ - Trung chưa có hồi kết và chưa biết diễn biến tiếp theo như thế nào. Một trong những rủi ro mà nhiều DN quan ngại hiện nay là nếu đồng NDT mất giá quá mạnh sẽ tác động ngay lập tức lên hoạt động xuất nhập khẩu của họ.
Nhưng tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ không sử dụng đồng NDT như là một vũ khí để đối phó lại trong cuộc CTTM này, bởi vì họ biết nếu sử dụng công cụ này, tác hại có thể nhiều hơn. Vì vậy nên áp lực từ đồng NDT lên tiền đồng của Việt Nam cũng sẽ giảm hơn rất nhiều so với trong năm 2018.
Sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn nếu chiến tranh thương mại leo thang |
Với xu hướng lãi suất tăng lên trong thời gian gần đây, một số ý kiến cho rằng chúng ta đang phải hy sinh lãi suất để đổi lấy sự ổn định của tỷ giá. Quan điểm của ông thế nào?
Quý IV thường là quý đặc thù mùa vụ, các DN có nhu cầu vay vốn cao hơn trong khi các ngân hàng cũng cố gắng làm sao đẩy hết room tăng trưởng tín dụng được phép. Hơn nữa, tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất tăng lên cũng phản ánh một xu hướng hợp lý. Trong bối cảnh Fed tăng lãi suất, muốn giữ được một thế cân bằng thì lãi suất trong nước cũng phải điều chỉnh tăng lên, nếu không sẽ bị áp lực về việc phải điều chỉnh tỷ giá cũng như nền kinh tế sẽ phải chịu một số tác động khác nữa.
Nên chúng tôi cho rằng, phần lãi suất tăng lên cuối năm một mặt do tính chất mùa vụ, mặt khác phản ánh xu hướng hợp lý. Khi lãi suất tăng thì đồng ý là những người đi vay sẽ than phiền. Nhưng cũng cần nhìn dưới góc độ khác ở đây, vì một mặt bằng lãi suất hợp lý sẽ giúp sàng lọc lại những người làm kinh doanh thực sự tập trung vào ngành nghề chính của họ, tránh hiện tượng dễ dãi trong sử dụng đồng vốn vay.
Năm tới, tôi không nghĩ là sẽ có sự đột biến nào về lãi suất, thậm chí có khả năng lãi suất còn giảm nhẹ khi các áp lực giảm đi. Như HSBC cũng dự báo, trong năm 2019, một số NHTW trong khu vực có thể bắt đầu đi vào chu kỳ cắt giảm lãi suất, vì họ không còn bị áp lực từ Fed tăng lãi suất nhiều nữa nên sẽ điều chỉnh lại CSTT để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Xin cảm ơn ông!