Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm: Trên đà khởi sắc
Hệ thống tài chính toàn cầu: Hồi chuông từ ngành Ngân hàng | |
WB dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,7% năm 2017 |
Sự khởi sắc được thấy ở hàng loạt các số liệu như tăng trưởng, việc làm cũng như lạm phát, mở đường cho quyết định tăng lãi suất một lần nữa như ở Mỹ. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, bất ổn địa chính trị hay những chính sách khó đoán là những rủi ro đe dọa đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Kinh tế toàn cầu trên đà khởi sắc |
Phục hồi đều khắp
Bộ Thương mại Mỹ ngày 29/6 cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 1,4% trong quý I/2017, cao hơn so với báo cáo trước đó, nhờ xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng cải thiện. Chi tiêu tiêu dùng đã tăng 1,1% trong quý I/2017, gần gấp đôi con số 0,6% của quý trước, song vẫn là mức thấp nhất kể từ quý II/2013. Cùng kỳ, xuất khẩu của Mỹ cũng được điều chỉnh tăng lên 7%, từ mức 5,8% đưa ra trước đó.
Dù có phần khởi sắc hơn so với dự đoán ban đầu, nhưng mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý I năm nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,1% trong ba tháng cuối cùng của năm 2016. Các chuyên gia kinh tế cho hay quý đầu tiên của những năm gần đây đều ghi nhận các mức tăng trưởng dưới mức tăng trung bình, đồng thời dự đoán kinh tế sẽ tăng tốc trong quý hiện nay. Chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Atlanta dự đoán nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng 2,9% trong quý II.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng Tư, nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo ra được 211.000 việc làm, tăng đáng kể so với mức dự báo 180.000 việc làm do giới chuyên gia đưa ra, đưa tỷ lệ thất nghiệp hiện giảm xuống chỉ còn 4,3%. Trung bình mỗi tháng nền kinh tế nước này tạo ra 185.000 việc làm mới kể từ đầu năm tới nay.
Nhận định nền kinh tế Mỹ hiện đủ mạnh, Fed tại cuộc họp vào tháng Sáu đã đi tới quyết định tăng lãi suất ngắn hạn thêm 0,25 điểm phần trăm, qua đó nâng biên độ lãi suất hiện nay lên mức 1-1,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai trong năm 2017 và là lần thứ ba kể từ tháng 12/2016.
Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì xu hướng tích cực khi giảm xuống 9,3%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Vào thời kỳ khủng hoảng nợ tồi tệ nhất của Eurozone, tỷ lệ thất nghiệp của khối này đã lên mức cao nhất là 12,1% với 19,3 triệu người phải tìm việc làm vào tháng 4/2013.
Trong quý I/2017, kinh tế Eurozone tăng trưởng 0,5%. Số liệu lạc quan này củng cố thêm kết quả của một cuộc khảo sát trước đó cho rằng kinh tế Eurozone đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ khi ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ sáu năm trước, bất chấp những bất ổn chính trị ở châu Âu.
Ở Nhật Bản, số liệu của chính phủ được công bố ngày 30/6 cho thấy, tỷ lệ lạm phát (không tính giá thực phẩm tươi sống dễ biến động) của nước này ở mức 0,4% trong tháng Năm, so với mức 0,3% trong tháng Tư và 0,2% trong cả tháng Hai và tháng Ba. Đây là tháng thứ năm liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng ở nước này tăng.
Triển vọng của nền kinh tế Nhật Bản đang dần cải thiện nhờ xuất khẩu tăng mạnh, và các hoạt động đầu tư liên quan đến Thế vận hội Olympics Tokyo năm 2020. Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 0,3% trong quý I/2017, thấp hơn so với mức ước tăng 0,5% đưa ra trong báo cáo sơ bộ trước đó, nhưng vẫn đánh dấu quý tăng trưởng thứ năm liên tiếp, giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong hơn một thập niên.
Còn không ít rủi ro
Môi trường chính sách bất ổn và khó lường của Mỹ, các cuộc đàm phán về Brexit, sự cần thiết phải cải tổ các thể chế châu Âu được Conference Board xác định là những yếu tố chính cản trở đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong khi các thị trường mới nổi đang tiến hành một loạt điều chỉnh mang tính trung hạn, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế bị kìm hãm.
Báo cáo của Conference Board cũng nêu bật một số thách thức khác đối với nền kinh tế thế giới như: các chính sách tiền tệ vẫn gây áp lực lên các thị trường tài chính, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, nguồn cung ứng lao động đang trở nên khan hiếm do dân số già, mức độ đầu tư trên phạm vi toàn cầu mới chỉ bước đầu khởi sắc, còn năng suất lao động tăng nhưng chưa đạt tới sự cải thiện mang tính cơ cấu.
Còn theo dự báo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo "những rủi ro lớn" có thể ảnh hưởng tới những dự báo tăng trưởng về kinh tế toàn cầu của tổ chức này, chủ yếu là do các mối đe dọa của làn sóng bảo hộ. Theo WB, "những hạn chế mới về thương mại có thể làm hỏng sự phục hồi trên toàn cầu" khi Mỹ tiếp tục đe dọa áp thuế trả đũa đối với một số đối tác, bao gồm Trung Quốc, Đức...
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cũng thận trọng trước các “cú sốc” về địa chính trị và việc gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại và cũng nêu lên những nguy cơ tiềm ẩn khác như “đầu máy” kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chạy chậm lại, trong bối cảnh các khoản nợ, nhất là nợ công, của cường quốc này đang ngày càng cao và rất khó kiểm soát.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới trong hai ngày 7-8/7, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde kêu gọi hành động để giải quyết các vấn đề như nợ doanh nghiệp cao ở các nền kinh tế thị trường mới nổi (đặc biệt là Trung Quốc), tăng trưởng năng suất thấp và chính sách khó đoán định của Mỹ.
Theo bà, những vấn đề này có thể gây ra cú sốc tài chính, khi các nền kinh tế trên thế giới cũng tiếp tục đối mặt với một số vấn đề về dài hạn. Bà cho rằng, cùng với những lo ngại về dân số già hóa và tình trạng bất bình đẳng thu nhập gia tăng, những thách thức này hạn chế tăng trưởng, khiến cho việc nâng cao thu nhập và chất lượng sống khó khăn hơn.
IMF cảnh báo, mặc dù các rủi ro liên quan đến bầu cử đã giảm, chính sách vẫn rất không rõ ràng, do các chính sách tài khóa và các quy định khó đoán của Mỹ, các cuộc đàm phán về việc nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, Brexit hay các rủi ro địa chính trị, làm giảm sút lòng tin, hạn chế đầu tư tư nhân và làm suy yếu tăng trưởng.
Trong khi đó, sự thất bại của Trung Quốc trong việc đối phó với rủi ro từ việc tăng trưởng tín dụng quá mức có thể khiến tăng trưởng giảm tốc, với những tác động tiêu cực đến các nước khác.