Kinh tế tuần hoàn - Lời giải cho tính lãng phí của người Việt
Hội thảo chuyên đề về kinh tế tuần hoàn, một chương trình nghị sự của Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững, diễn ra ngày 12/9, tại Hà Nội, chỉ ra rằng ở Việt Nam, trong khi chú trọng phát triển kinh tế thì sự quan tâm thấp hơn nhiều đối với lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu tái chế nhựa và gần 60% nguyên liệu tái chế giấy... Ảnh minh họa |
Patrick Chung, Tổng giám đốc Công ty Lee & Man Việt Nam phát biểu: “Phải nhìn nhận một thực tế rằng khả năng thu gom, tái sử dụng rác thải tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng, đặc biệt là chúng ta vẫn chưa thực hiện phân loại rác thải từ nguồn do thiếu công nghệ, nguồn lực cũng như ý thức người dân”.
Các thống kê cho thấy Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có lượng rác thải không được xử lý lớn nhất, với chỉ 9% rác thải nhựa được tái chế nhưng nguyên liệu tái chế nhựa, giấy vẫn phải nhập khẩu. Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu tái chế nhựa và gần 60% nguyên liệu tái chế giấy…
Đó là một nghịch lý, khi Chính phủ đã có những ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai để xây dựng cơ sở tái chế chất thải. Việt Nam cũng ưu tiên hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực công nghiệp gồm tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, sản xuất giấy…
Thực tế trên thế giới cho thấy kinh tế tuần hoàn là xu thế phát triển tất yếu, nhất là khi chúng ta đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và khan hiếm nguyên liệu sản xuất.
Theo tính toán của McKinsey & Co, được giới thiệu tới Hội thảo, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ tạo tác động tích cực cho môi trường và xã hội mà còn giúp châu Âu tạo ra giá trị kinh tế lên đến 1.8 triệu euro vào năm 2030.
Kinh tế tuần hoàn (circular economy) là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ… đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường – theo Wikipedia |
Thực tế tại Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn cũng đã bắt đầu được ứng dụng và phát triển từ nhiều năm về trước, ví dụ như trong nông nghiệp có các mô hình vườn - ao - chuồng, hay chăn nuôi thu hồi khí và phân… Tuy nhiên, ở cấp độ doanh nghiệp, ngành sản xuất, địa bàn dân cư… thì mức độ triển khai còn chưa phổ rộng.
Đề cập đến nguyên nhân, các chuyên gia tại Hội thảo cũng đồng tình rằng mặc dù kinh tế tuần hoàn gần đây đang nổi lên như một trong những giải pháp cần theo đuổi để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam, nhưng để triển khai trên thực tế vẫn có nhiều thách thức.
Đầu tiên là thói quen phân loại rác thải trong người dân. Tiếp đến là nhận thức và hành động của doanh nghiệp. Và quan trọng hơn cả, đó là chưa có chính sách đề cập đến kinh tế tuần hoàn, chưa có luật nào cụ thể và chuyên biệt về kinh tế tuần hoàn và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Theo đại diện của Heineken Việt Nam, để có một nền kinh tế tuần hoàn, trước hết phải đổi mới tư duy, từ tư duy nhìn phát triển kinh tế tuyến tính theo chiều ngang (khai thác nguyên vật liệu đến sản xuất, tiêu dùng và kết thúc vòng đời sản phẩm phế thải đưa ra bãi rác) sang tư duy vòng đời sản phẩm (khai thác từ thiên nhiên, sản xuất, tiêu dùng, tái sử dụng, tái chế hoặc sửa chữa hay tái sản xuất và phân hủy sinh học, sản xuất, tiêu dùng…).
Bổ sung quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký của VCCI cho rằng: “Muốn kinh tế tuần hoàn có thể cất cánh tại Việt Nam thì cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, sự hỗ trợ kỹ thuật từ các cơ quan tổ chức quốc tế, đặc biệt động lực chính là từ các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nhận thức rõ lợi ích từ mô hình này, doanh nghiệp sẽ chủ động nắm bắt cơ hội và triển khai”.
Về phía VCCI, ông Vinh cho biết, VCCI và Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị hành trang tốt, “vũ khí” tốt, công cụ quản trị tốt và đặc biệt là ý tưởng kinh doanh sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ để triển khai kinh tế tuần hoàn thành công.
Từ năm 2016, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững đã khởi xướng chương trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, triển khai nền kinh tế tuần hoàn, đi từ việc nâng cao nhận thức cho đến việc hỗ trợ triển khai. Nhưng để nhân rộng ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, thì cần phải tạo được động lực của thị trường, hành động của người dân và doanh nghiệp.
Ông Vinh cho biết nguyện vọng của phía doanh nghiệp là cần xây dựng một bộ luật về nền kinh tế tuần hoàn, trước mắt cần rà soát lại khung pháp lý của các quy định, các luật để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn…