Lãi suất đang chịu nhiều sức ép
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 27-31/5 | |
Chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện ổn định lãi suất |
Có được kết quả đó là nhờ từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ như giữ nguyên các mức lãi suất điều hành của NHNN; giữ nguyên lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các TCTD đối với các lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao 6,5%/năm. Hiện lãi suất cho vay của các TCTD phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung - dài hạn khoảng 9-11%/năm…
Ảnh minh họa |
Không phải năm nay, mà trong vài năm trở lại đây, lãi suất VND liên tục chịu sức ép từ nhiều phía cả trong và ngoài nước. Đặc biệt như năm 2018, trong bối cảnh lãi suất trên thế giới tăng ở cả nhóm các nước phát triển như Mỹ tăng 4 lần lãi suất; nhóm các nước mới nổi như Argentina tăng 6 lần, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 3 lần, Ấn Độ tăng 2 lần, Philippines tăng 4 lần, Indonesia tăng 6 lần thì lãi suất trong nước vẫn được NHNN điều hành khá ổn định, thậm chí giảm lãi suất điều hành ngay từ đầu năm giảm từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm nhằm hỗ trợ thanh khoản và góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD…
Một trong những lý do giúp cho NHNN giữ ổn định mặt bằng lãi suất trước bối cảnh như vậy theo TS. Võ Trí Thành, NHNN đã rất khéo léo điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các TCTD, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức phù hợp. Đây là một thành công lớn cho thấy khả năng ứng phó thông minh của NHNN. Lãi suất, tỷ giá trở thành một trong những điểm sáng của ngành Ngân hàng và cả nền kinh tế trong năm 2018.
Tuy nhiên, áp lực lên lãi suất được chẳng những không vơi bớt mà thậm chí còn lớn hơn trong những tháng còn lại của năm 2019. Bên ngoài, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến ngày càng phức tạp đang hỗ trợ đồng USD tăng giá mạnh, trong khi lại vùi dập đồng nhân dân tệ. Do Mỹ và Trung Quốc đều là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên diễn biến trái chiều của cặp đồng tiền này cũng đang tạo nhiều sức ép đến tỷ giá và lãi suất trong nước. Bởi muốn ổn định tỷ giá phải duy trì lãi suất VND ở mức đủ hấp dẫn để ngăn dòng tiền chảy sang kênh ngoại tệ.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát những tháng cuối năm cũng rất lớn khi giá dầu thế giới biến động khó lường, lại thêm lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý ở trong nước. Về lý thuyết, lạm phát tăng buộc chính sách tiền tệ phải siết chặt hơn, lãi suất phải được nâng cao hơn để kiểm soát.
Khẳng định lãi suất khó giảm thêm mà giữ được ổn định như hiện nay đã là một thành công, theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, điều hành chính sách tiền tệ đang có quá nhiều mục tiêu trung gian: cung tiền, tín dụng vừa quản theo định lượng vừa quản theo định tính, chưa kể tỷ giá dù linh hoạt hơn, mang tính thị trường nhiều nhưng vẫn là công cụ định hướng chính sách.
“Nếu cứ loay hoay giữa các mục tiêu sẽ dẫn tới hai chuyện là lãi suất rất khó giảm và hiệu quả hệ thống tài chính nhìn về trung và dài hạn bị ảnh hưởng”, TS. Thành tỏ ra lo ngại và lưu ý thêm: dù đích đến còn xa, nhưng Việt Nam phải chuyển sang bằng được điều hành lạm phát mục tiêu. Khi đó, hệ thống tài chính được quản theo giá, đó là lãi suất. Đây là thách thức rất lớn đối với NHNN.
Đồng quan điểm như vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, xét về cung - cầu thị trường hiện tại, nếu hạ lãi suất xuống có thể làm méo mó thị trường. Sở dĩ như vậy là bởi việc kéo giảm lãi suất xuống thấp trong khi tỷ giá có xu hướng tăng, có thể dẫn tới việc những người đầu cơ lại rút tiền gửi tiết kiệm để mua USD. “Theo tôi, thời điểm này, không nên tăng cũng như không nên giảm mà cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất hiện tại để tránh những xáo trộn trên thị trường”, TS. Hiếu chia sẻ quan điểm.
Những áp lực hiện tại nhất là từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó có thể nói trước được điều gì, nhưng giới chuyên môn cho rằng sức ép lên lãi suất là có, nhưng không tăng mạnh do thanh khoản hệ thống dồi dào và NHNN kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng.
Trao đổi với phóng viên, các chuyên gia cho rằng, chủ trương kiên định khống chế cung tiền tệ của NHNN, cùng với nhiều biện pháp đồng bộ triển khai hiệu quả trong thời gian qua thì có thể tin rằng vấn đề lãi suất căn bản sẽ ổn định. Ngoài ra NHNN yêu cầu các ngân hàng cố gắng tiết giảm chi phí nhất là tích cực xử lý nợ xấu để giải phóng lượng vốn mắc kẹt trong khối nợ này để ngân hàng có thêm nguồn lực giữ ổn định lãi suất như hiện tại.
Thừa nhận những thách thức mà NHNN đang phải đối mặt hiện nay trong điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất, nhưng TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV tin tưởng, NHNN đã có nhiều kinh nghiệm xử lý ứng phó với những tình huống như trên trong thời gian qua. Quan trọng nữa là cách thức điều hành của NHNN tương đối linh hoạt, bám sát thị trường nên có thể giữ ổn định lãi suất, tỷ giá.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia vẫn khuyến nghị, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường hiện nay, NHNN cần bám sát diễn biến thị trường để điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu cao nhất là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.