Chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện ổn định lãi suất
Những điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ | |
Điều hành chính sách tiền tệ góp phần nâng hạng tín nhiệm quốc gia | |
Nhiều điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ |
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô
Báo cáo nói rõ về cơ bản NHNN đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đạt được mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra. Chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Kết quả cụ thể thực hiện nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Quốc hội (năm 2018 và những tháng đầu năm 2019), NHNN cho biết, cơ quan này đã điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Kết quả là lạm phát bình quân trong những năm qua luôn duy trì ở mức thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra (khoảng 4%). Năm 2018 là 3,54% và 4 tháng đầu năm 2019 là 2,71%. Lạm phát cơ bản cũng được duy trì tương đối ổn định ở mức thấp, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý (lạm phát cơ bản bình quân năm 2018 là 1,48%, 4 tháng đầu năm 2019 là 1,84%). Tính đến cuối tháng 4/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,42% so với cuối năm trước (cùng kỳ tăng 5,89%).
Về duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, NHNN cho biết, trong bối cảnh ngày càng nhiều yếu tố gây áp lực tăng lãi suất, NHNN chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp tạo điều kiện ổn định lãi suất của các TCTD. Chỉ đạo các TCTD cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đồng thời điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn giảm dần theo lộ trình góp phần giảm áp lực lãi suất cho các TCTD.
Từ đầu năm 2019 đến nay, để tiếp tục góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ.
Cụ thể, đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành của NHNN; giữ nguyên lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các TCTD đối với các lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao 6,5%/năm; giữ nguyên lãi suất tối đa bằng VND đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng. Hiện lãi suất cho vay của các TCTD phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9-11%/năm.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019, đồng tình với lời kêu gọi của Thống đốc NHNN, các NHTM Nhà nước đã giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên.
Cân đối cung cầu ngoại tệ vẫn tương đối thuận lợi
Về điều hành tỷ giá, NHNN đã chủ động, linh hoạt, kết hợp điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý và chủ động truyền thông; bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường, bao gồm cả bán ngoại tệ kỳ hạn để định hướng kỳ vọng thị trường và hỗ trợ thanh khoản VND. Nhờ đó, tỷ giá tương đối ổn định, cân đối cung cầu ngoại tệ vẫn tương đối thuận lợi, thanh khoản thị trường diễn ra bình thường, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN mua ròng được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước (DTNHNN).
Cũng theo NHNN, thực hiện chủ trương của Chính phủ về từng bước hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, đồng thời để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu giảm bớt chi phí vay vốn, tăng khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, NHNN đã thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng như sau:
NHNN không quy định thời hạn đối với nhu cầu vốn cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; Tiếp tục cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay;
Dừng cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay từ sau ngày 31/3/2019; Cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay đến hết ngày 30/9/2019.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng phù hợp nhằm chuyển hóa các nguồn vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, nhờ thực hiện các giải pháp hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý thị trường, Bộ Công an, tâm lý găm giữ ngoại tệ và vàng giảm, quy mô hoạt động trên thị trường phi chính thức, thị trường ngoại tệ tự do đang ngày càng thu hẹp và bám sát tỷ giá liên ngân hàng, nguồn cung ngoại tệ được cải thiện. Đặc biệt, việc áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm từ năm 2016 đã góp phần nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, khuyến khích người dân có ngoại tệ bán cho hệ thống ngân hàng, tạo nguồn cung tăng DTNHNN.
“NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung DTNHNN đưa quy mô DTNHNN lên mức cao nhất từ trước đến nay. Cùng với việc quy mô DTNHNN được cải thiện đáng kể, NHNN cũng theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới, tình hình xếp hạng của các đối tác và áp dụng linh hoạt các công cụ đầu tư DTNHNN, đảm bảo công tác quản lý DTNHNN tuân thủ nguyên tắc an toàn, thanh khoản và sinh lời.” – Báo cáo nhấn mạnh.