Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 27-31/5
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 30/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 29/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 28/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 27/5 |
Tổng quan
Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2019 tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018, mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm qua (năm 2017: 4,47%; năm 2018: 3,01%).
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 1,5% so với tháng 12/2018, tăng 2,88% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân làm tăng CPI tháng 5 năm 2019 chủ yếu bao gồm: 2 đợt điều chỉnh giá trong tháng 5 làm tăng CPI chung 0,25%; giá điện tăng do tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện trong tháng 3/2019, bên cạnh đó thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng điện và nước tăng làm cho giá điện sinh hoạt tăng 6,86% và giá nước sinh hoạt tăng 1,17%; giá gas tháng 5/2019 tăng 0,6% so với tháng 4/2019; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,66% do nhu cầu xây dựng tăng cùng với chi phí đầu vào tăng nên giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng như: sắt, thép, xi măng và giá nhân công xây dựng tăng theo.
Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 5 năm 2019 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 1,9% so với cùng kỳ; 5 tháng đầu năm 2019 so cùng kỳ tăng 1,85%.
Theo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 có thể đạt 6,5 - 6,9% với hai kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng ở mức thấp 6,56%, xấp xỉ mục tiêu Quốc hội đề ra, khi các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi, gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể đem đến những sức ép mới khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ thị trường Trung Quốc; đồng thời gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.
Kịch bản thứ hai, tăng trưởng của nền kinh tế đạt 6,81% như mục tiêu của Quốc hội. Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra, nhờ dư địa động lực tăng trưởng của năm 2018, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất của Chính phủ, và mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính gồm công nghiệp và dịch vụ.
Trong kịch bản đầu tiên, lạm phát cả năm khoảng 4,21%. Trong kịch bản thứ hai, lạm phát cả năm khoảng 4,79%, cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội.
Nguy cơ lạm phát theo kịch bản thứ hai có thể xảy ra nếu có sự cộng hưởng từ cả sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài. Các đợt điều chỉnh giá những dịch vụ công, điều chỉnh tăng giá xăng dầu đã được thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ gây áp lực lớn gia tăng lạm phát.
Tại kỳ họp Chính phủ vừa qua, Chính phủ cho rằng, hiện vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao vì giá xăng dầu thế giới được dự báo tăng, lương thực, thực phẩm xu thế chung của thế giới cứ sau một số năm lại tạo ra mặt bằng mới; giá trong nước chịu tác động bởi việc tăng giá điện, giá xăng, dầu, giá dịch vụ y tế, rủi ro thiên tai, dịch bệnh với ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, lạm phát dự báo vẫn đạt mục tiêu dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội.
Chính phủ nêu rõ quan điểm chỉ đạo nhất quán là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu của năm 2019, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Trong ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cần đặc biệt chú ý không tăng giá dịch vụ công dồn dập vào một thời điểm, tăng cường truyền thông, giám sát hành vi thao túng giá, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 27-31/5, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm luân phiên qua các phiên. Chốt tuần 31/5, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.065 VND/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.707 VND/USD.
Sau khi giảm nhẹ phiên đầu tuần, tỷ giá liên ngân hàng tăng dần trở lại ở các phiên sau đó. Chốt tuần 31/5, tỷ giá giao dịch ở mức 23.415 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động nhẹ trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 31/5, tỷ giá tự do tăng 10 đồng ở chiều mua vào trong khi giữ nguyên ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.410 VND/USD - 23.430 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng VND tất cả các kỳ hạn giảm khá mạnh ở các phiên đầu tuần, tuy nhiên đã phục hồi trở lại vào phiên thứ Sáu. Chốt tuần 31/5, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 2,86% (-0,29 điểm phần trăm); 1 tuần 3,22% (-0,08 điểm phần trăm); 2 tuần 3,40% (không thay đổi); 1 tháng 3,68% (+0,01 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD tiếp tục biến động nhẹ trong tuần. Cuối tuần 31/05, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,51% (+0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 2,63% (+0,05 điểm phần trăm), 2 tuần 2,69% (+0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,83% (+0,04 điểm phần trăm).
Thị trường mở trong tuần từ 27-31/5, Ngân hàng Nhà nước nâng mạnh mức chào thầu tín phiếu lên 86.000 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng hấp thụ được 84.799 tỷ đồng. Trong tuần có 43.720 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 41.079 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 84.799 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố vẫn với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%, không có khối lượng trúng thầu. Trong tuần không có đáo hạn. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố duy trì ở mức 0.
Thị trường trái phiếu trong tuần, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 2.650/3.250 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 82%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 900/1.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm và 30 năm huy động toàn bộ lần lượt 1.000 tỷ đồng và 750 tỷ đồng gọi thầu.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 4,69%/năm, giảm nhẹ 2 điểm; kỳ hạn 15 năm tại 5,04%/năm - giảm nhẹ 1 điểm; kỳ hạn 30 năm giữ nguyên tại 5,88%/năm.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường tuần qua đạt khoảng 6.060 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức trung bình hơn 9.300 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp chốt phiên 31/5 giảm nhẹ so với tuần trước đó. Cụ thể, các mức lợi suất trái phiếu Chính phủ giao dịch quanh: 1 năm 3,16%; 2 năm 3,41%; 3 năm 3,54%; 5 năm 3,8%; 7 năm 4,19%; 10 năm 4,7%.
Thị trường chứng khoán tiếp tục một tuần tiêu cực khi cả 3 chỉ số giảm điểm ở hầu hết cả phiên. Phiên cuối tuần 31/5, VN-Index đứng ở mức 959,88 điểm, giảm 10,15 điểm (-1,05%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 1,04 điểm (-0,99%), xuống mức 104,35 điểm; UPCOM-Index cũng giảm 0,14 điểm (-0,25%) xuống 55,13 điểm.
Thanh khoản thị sụt giảm so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trên 3.800 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại quay trở lại bán ròng mạnh hơn 270 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Thế giới tuần vừa qua đón nhiều thông tin quan trọng. Đáng chú ý nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi hai nước chính thức áp thuế bổ sung lên hàng hóa của nhau như đã đe dọa hồi đầu tháng 5.
Ngay sau đó, Trung Quốc công bố sách trắng, cáo buộc Mỹ trong chiến tranh thương mại. Cũng trong Sách trắng, bất chấp căng thẳng leo thang, Trung Quốc nhấn mạnh họ muốn giải quyết căng thẳng thương mại thông qua đàm phán, trừ những giá trị cốt lõi. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng phát biểu Trung Quốc có thể giữ giá đồng CNY ổn định ở một mức hợp lý và cân bằng.
Trong tuần, Bộ Tài chính của Mỹ công bố danh sách các nước có khả năng thao túng tiền tệ. Mặc dù Bộ này kết luận không có đối tác thương mại nào của Mỹ kể cả Trung Quốc hội đủ các điều kiện về thao túng tiền tệ, song đây là lần đầu tiên Việt Nam chính thức lọt vào danh sách giám sát trong báo cáo này.
Liên quan đến thông tin kinh tế Mỹ, báo cáo sơ bộ lần hai cho hạ tốc độ tăng trưởng GDP quý I của Mỹ so với báo cáo ban đầu.
Nước Đức trong tuần cũng đón nhiều thông tin kinh tế kém lạc quan, nổi bật là doanh số bán lẻ giảm mạnh và niềm tin tiêu dùng giảm liên tục 4 tháng trở lại đây. Tại Trung Quốc, lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn và thu hẹp trong tháng 5, báo hiệu không tốt đến tốc độ phát triển kinh tế quý 2 của nước này.