Làm du lịch kiểu Hàn Quốc
Nâng cao giao lưu du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc | |
Công bố Dự án “Super selfie” quảng bá du lịch Việt Nam | |
Giải quyết bất cập để phát triển du lịch |
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam, trong năm 2015 có khoảng 17.000 người Việt đã đến tham quan xứ sở Kim chi, tăng 15% so với năm 2014. Tốc độ tăng trưởng này, đặt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn là rất đáng chú ý. Sự giao hòa văn hóa Hàn - Việt được cho là một trong những lý do quan trọng tạo nên kết quả nói trên.
Ảnh minh họa |
Đặt mục tiêu phát triển mạnh số du khách người Việt đến Hàn Quốc, KTO có rất nhiều hoạt động xúc tiến hình ảnh đất nước này đến người dân Việt Nam. Tham gia thường xuyên tại các hội chợ du lịch quốc tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; có nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Hàn Quốc; khai thác các giá trị văn hóa, phát triển văn hóa gắn với điện ảnh, nghệ thuật… KTO đang từng bước ghi dấu ấn mạnh mẽ của văn hóa xứ Kim chi vào lòng người dân Việt.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá cao việc KTO tại Việt Nam đã đưa nghệ thuật Hàn Quốc đến gần hơn với người dân Việt Nam. Ông cho rằng, thời gian qua, chính sự tích cực của KTO, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như sự nỗ lực của DN du lịch hai nước, phối hợp cùng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch hai nước tăng trưởng mạnh mẽ.
Phim ảnh, âm nhạc… của Hàn Quốc được truyền bá đi khắp thế giới trong mấy thập niên vừa qua, theo đánh giá của giới truyền thông, đã đem lại những tác động hết sức tích cực. Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) đã trở nên thịnh hành khắp thế giới, được fan (người hâm mộ) châu Á đón nhận rất nồng nhiệt đưa Hàn Quốc trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách toàn cầu. Ở Việt Nam, không khó để bật một kênh truyền hình bất kỳ tìm phim bộ Hàn Quốc, hay thậm chí là xem các kênh Hàn trên truyền hình cab…
Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Chính phủ Hàn Quốc như vậy, chẳng những vừa hỗ trợ cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà, vừa tạo ra sản phẩm du lịch mới thu hút du khách. Lượng du khách tìm đến Hàn Quốc ngày càng tăng, mang lại các lợi ích trực tiếp về kinh tế cho quốc gia này thông qua thu hút đầu tư, tạo cơ hội việc làm, bán sản phẩm và dịch vụ du lịch...
Sự kết hợp giữa biểu diễn nghệ thuật với làm du lịch đã được Hàn Quốc đẩy mạnh tại Việt Nam trong nhiều năm nay, với ý nghĩa một thị trường cần tập trung khai thác.
Mới đây nhất, KTO tiếp tục giới thiệu đến khán giả Việt Nam chương trình biểu diễn nghệ thuật với tên gọi “Du lịch thông qua Biểu diễn nghệ thuật Hàn Quốc 2016”. Trong chương trình lần này, KTO mang đến 8 đoàn nghệ thuật nổi tiếng Hàn Quốc gồm: Bibap, Jump, Drumcat, Fantastic, Kungshow, Pang show, Sachum, Fire man, với những trích đoạn đặc sắc.
“Với số đoàn biểu diễn đông, cùng số lượng diễn viên nhiều như thế này thì Việt Nam của các bạn là lần đầu tiên. Điều này cho thấy Hàn Quốc đánh giá cao thị trường Việt Nam”, ông Choi Kwang-il, đại diện Hiệp hội Biểu diễn Hàn Quốc cho biết.
Jump-show kịch câm hài hước mà lãng mạn mang đến tiếng cười sảng khoái cho khán giả trên toàn thế giới. Bởi Jump là sự sáng tạo và phối kết hợp hoàn hảo của nhiều loại hình từ múa võ thuật truyề̀n thống Hàn Quốc, đưa khán giả đến với câu chuyện hài hước của một gia đình đối phó với những tên trộm ma mãnh.
Bibap lại lấy ý tưởng từ món ăn truyền thống nổi tiếng xứ Hàn: cơm trộn Bibap. Những diễn viên - đầu bếp mang đến màn trình diễn vui nhộn, sôi đến từng phút bởi âm thanh beat-box và các điệu nhảy B-Boy gói trọn trong một nhà bếp Hàn Quốc… Thêm một gợi ý hoàn hảo nữa dành cho các du khách dự định tới Hàn Quốc.
Thông điệp quan trọng nhất mà ông Jung Chang Wook, Trưởng đại diện KTO tại Việt Nam gửi gắm qua chương trình này là, giới thiệu tới những vị khách đã, đang và sẽ có kế hoạch đi du lịch Hàn Quốc một nội dung tuy không phải là rất mới nhưng cũng vô cùng quan trọng, đó là thưởng thức nghệ thuật.
Ông Chang hy vọng rằng, với nhiều thông tin du lịch hấp dẫn được cung cấp trong chương trình và những hoạt động bên lề khác tại thị trường Việt Nam thì mục tiêu đón 185.000 khách du lịch Việt Nam tới thăm Hàn Quốc trong năm 2016 sẽ không những đạt được mà còn có thể vượt lên đến con số hơn 200.000 lượt.
Có thể đúc kết rằng, mọi hoạt động của KTO đều thể hiện một tầm nhìn, một chính sách của Chính phủ Hàn Quốc cho Kế hoạch phát triển nghệ thuật trung hạn và dài hạn, có sức lôi kéo các bộ ngành cùng biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Việt Nam có thể học cách thức triển khai của Hàn Quốc, dù đi sau, nhưng không đi theo mà đi khác để tiến vượt lên, một chuyên gia về phát triển thương hiệu gợi ý.
Chẳng phải ca trù, quan họ, rối nước, hát bài chòi, dân ca Nam bộ… vẫn thu hút du khách quốc tế đó sao? Vấn đề là cần một chiến lược tốt để nâng tầm và chuyển tải những “đặc sản” văn hóa đó đến với bạn bè quốc tế, mà để làm được điều đó thì ngoài cơ quan quản lý về du lịch thì rất cần các DN cùng vào cuộc.