Giải quyết bất cập để phát triển du lịch
Mở hội nghị 'Diên Hồng' về phát triển du lịch | |
Phát triển du lịch theo hướng bền vững |
Tồn tại nhiều bất cập
Nhằm tìm hướng phát triển ngành du lịch, mới đây tại Hội An (Quảng Nam) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch. Đây được xem là hội nghị “diên hồng” cho ngành du lịch trong nước vốn đang tồn tại nhiều khó khăn. Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng hai Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Vũ Đức Đam…
Du lịch Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập |
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gần đây ngành “công nghiệp không khói” có những bước tăng trưởng ấn tượng. Năm 2015, lượng khách quốc tế đạt trên 7,9 triệu lượt, khách nội địa 57 triệu lượt.
Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2016, ngành du lịch đón 5,55 triệu lượt khách quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015, phục vụ 38,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 235.000 tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015…
Đến nay, cả nước có 1.555 DN lữ hành quốc tế, hơn 20.100 cơ sở lưu trú. Hiện, ngành du lịch đóng góp vào GDP khoảng 6,6%. Thực tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch khi có hơn 20 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều lễ hội dân gian và làng nghề truyền thống. Ngoài ra, còn có nhiều địa danh có thương hiệu trên thế giới, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước như, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc…
Tuy có nhiều tiềm năng, nhưng ngành du lịch Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, nếu không muốn nói đang tụt hậu so với các nước trong khu vực. Cụ thể, du lịch Việt Nam chỉ đứng thứ 5 về thu hút khách quốc tế trong khối ASEAN. Nhiều yếu tố trụ cột của năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch, như môi trường hỗ trợ, cơ sở hạ tầng... Việt Nam xếp sau nhiều các nước trong khu vực.
Theo bảng xếp hạng cạnh tranh về du lịch thế giới năm 2015 Việt Nam đứng thứ 75/141 nước. Trong khi, tiềm năng du lịch Việt Nam được xếp thứ 22/141… Nhiều du khách đến Việt Nam thường “một đi không trở lại”, bởi canh cánh nhiều nỗi lo như, nạn “chặt chém”, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông hay thái độ phục vụ chưa chuyên nghiệp…
Ngay tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch thẳng thắn thừa nhận, ngành du lịch trong nước còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, nổi lên việc xúc tiến quảng bá còn hạn chế, thiếu những điểm đến du lịch nổi trội, yếu về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực; phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững dựa vào cộng đồng chưa được khai thác đúng mức.
Ngoài ra, việc liên kết giữa các địa phương lâu nay cũng chỉ là liên kết trong việc tổ chức các sự kiện. Còn sự liên kết để cùng phát triển chuỗi sản phẩm du lịch, từ khâu thiết kế sản phẩm, khai thác thị trường khách du lịch, phát triển dịch vụ gia tăng đến quảng bá, xúc tiến du lịch dường như vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, sự hỗ trợ của các ngành khác để phát triển du lịch chưa thật sự có dấu ấn rõ nét...
Phát triển bền vững
Để ngành du lịch phát triển, nhiều ý kiến của cơ quan chức năng, địa phương và các DN đã được đưa ra. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, chúng ta từng được xếp hạng 16/184 nước trên thế giới về tiềm năng du lịch trong tương lai. Tại sao không thể trở thành một quốc gia du lịch thông qua tinh thần khởi nghiệp đã được phát đi từ thông điệp của Thủ tướng Chính phủ?. Trước hết, cần phải đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch với các nước trong khối ASEAN…
Ở góc độ một địa phương trọng điểm về du lịch miền Trung, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng lại cho rằng, việc phát triển thị trường du lịch trọng điểm là rất quan trọng. Nhiều địa phương xúc tiến du lịch ra nước ngoài nhưng không có trọng điểm, nên hiệu quả không cao.
Vì vậy, cần có sự hợp tác giữa các địa phương giới thiệu điểm đến cho du khách đặc biệt là khách quốc tế. Trong khi, ở vị trí là DN trực tiếp trong ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel đưa ra những trăn trở khi trong thời gian qua có rất nhiều công ty nước ngoài đến Việt Nam tổ chức các tour du lịch trái phép, khiến cho địa phương thất thu thuế, ảnh hưởng xấu đến việc cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, hãng lữ hành. Xử lý vấn nạn này ở nhiều địa phương vẫn còn những lúng túng, chưa có biện pháp hữu hiệu…
Trước hàng loạt những tâm tư, kiến nghị từ cơ quan quản lý, địa phương cho đến DN… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam ở bất cứ đâu cũng có thể làm du lịch. Nhưng, phải chọn lựa những vùng, khu vực trọng điểm để đầu tư. Muốn phát triển du lịch thành công, điều đầu tiên phải hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển.
Theo Thủ tướng, Việt Nam nhất quyết không lập “phố đèn đỏ”, không biến thành vùng đất casino tràn lan, tất cả phải được quy hoạch và có kiểm soát. Thời gian tới, sẽ không thành lập Bộ Du lịch như kiến nghị mà sẽ chỉ cấp phép thành lập sở du lịch ở những nơi có nền kinh tế du lịch phát triển.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ cho ngành du lịch phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, đổi mới hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng các cơ sở, dịch vụ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho DN.
Mở thêm các đường bay mới kết nối Việt Nam tới các thị trường du lịch tiềm năng, tăng cường tần suất các đường bay có sẵn. Một quỹ hỗ trợ du lịch Việt Nam sẽ ra đời với việc Nhà nước cấp một nguồn kinh phí khoảng 200 - 300 tỷ đồng...
Được biết, ngành du lịch đặt mục tiêu đến năm 2020, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, du lịch thu hút 14-15 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 70 - 75 triệu lượt khách nội địa.
Phấn đấu đến năm 2020, ngành du lịch đóng góp khoảng 9 - 10% GDP... Tuy nhiên, theo nhiều người đây là mục tiêu không hề đơn giản, khi mà ngành “công nghiệp không khói” trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay.
Trong khuôn khổ hội nghị Sở Du lịch TP. Hà Nội, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế và Sở Du lịch TP. Đà Nẵng đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, cả 3 địa phương sẽ cùng nhau trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn. Phối hợp triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ quản lý lữ hành, vận chuyển, lưu trú, tài nguyên và các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Tổ chức khảo sát, kiểm tra việc thực hiện chương trình hợp tác. Liên kết, hợp tác kết nối tour đón khách du lịch, với tinh thần “Ba tỉnh, thành phố - Một điểm đến”… |