“Làm mới” quy định về PPP
PPP dẫn vốn vào nông nghiệp | |
Mô hình quyết định hiệu quả | |
Thúc giục hoá giải rủi ro trong PPP |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang gấp rút lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Đã qua 2 năm triển khai, song các nội dung trong 2 nghị định này được đánh giá là còn cách khá xa so với thực tiễn. Do đó, yêu cầu sửa đổi là vô cùng cấp bách để tạo lực hút mạnh mẽ hơn các NĐT tư nhân vào dự án hạ tầng, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách Nhà nước ngày càng eo hẹp.
Nhiều quy định làm khó NĐT
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu đánh giá, từ sau khi có Nghị định 15 và Nghị định 30, phong trào đầu tư PPP đã có nhiều chuyển biến tích cực. 2 nghị định này đã thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương có nhiều sáng tạo để triển khai hình thức đầu tư còn khá mới mẻ này. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, các quy định trong 2 nghị định này chưa đạt như kỳ vọng.
Ông Thu dẫn chứng, NĐT mới vào một số lĩnh vực như giao thông, còn nhiều lĩnh vực tiềm năng khác chưa huy động được vốn như kỳ vọng. Đặc biệt, dự án PPP thu hút NĐT trong nước là chính, trong khi NĐT nước ngoài chủ yếu quan tâm tới dự án điện, còn các hạ tầng khác gần như không có.
Chậm trễ hoàn thiện quy định về PPP khiến nhiều NĐT bỏ cuộc |
Theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, các NĐT cho rằng do địa vị pháp lý của nghị định thấp nên khó bảo đảm quyền lợi cho họ. Quá trình tham vấn cũng cho thấy, cả hai nghị định đều chứa đựng khá nhiều quy định ngược với thực tiễn và cần phải được “làm mới” lại, vì đó đều là các quy định mang tính sống còn đối với cả NĐT lẫn hiệu quả dự án.
Nhìn chung, khó khăn trong triển khai dự án PPP hiện nay chủ yếu tập trung vào các vấn đề nhằm giải quyết bài toán tài chính cho dự án. Đơn cử như khó khăn về nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án. Do vốn ngân sách trong kế hoạch trung hạn là rất hạn hẹp nên việc bố trí ngân sách đóng góp cho dự án PPP là thách thức rất lớn.
Việc huy động nguồn vốn từ các NH, TCTD nước ngoài cũng rất hạn chế do các tổ chức này có nhiều quan ngại về các mặt như quy định pháp luật, chính sách của Việt Nam thay đổi nhiều, mức tín nhiệm quốc gia chưa cao, công tác giải phóng mặt bằng quá phức tạp… Điều này dẫn đến việc các tổ chức tài chính quốc tế thường yêu cầu Chính phủ chia sẻ rủi ro bằng các biện pháp bảo lãnh như về doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro về tiến độ và chi phí giải phóng mặt bằng…
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư, Bộ Giao thông - Vận tải cho hay, qua thực tiễn đấu thầu dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch, cũng như tham vấn các NĐT nước ngoài như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore... của dự án Dầu Giây - Phan Thiết, các NĐT đều yêu cầu Chính phủ phải cung cấp các bảo lãnh này. Tuy nhiên, “do những vướng mắc về chính sách, pháp luật nên chúng ta vẫn chưa thể thực hiện bảo lãnh như yêu cầu của các NĐT, TCTD nước ngoài. Cuối cùng, họ đều có văn bản trả lời không tham gia dự án”, ông tiếc nuối.
Nhìn vào nguồn cung tín dụng trong nước, theo quy định của NHNN, đến hết năm 2016, các TCTD phải đưa mức huy động ngắn hạn cho vay dài hạn về dưới 60%, hết năm 2017 là 50% và từ năm 2018 trở đi là 40%. Vì vậy, khả năng cung cấp tín dụng trung và dài hạn cho các dự án hạ tầng giao thông sẽ rất khó. Ông Vũ Tuấn Anh cho biết, thực tế, nhiều dự án các NH đã thẩm định rồi nhưng phải dừng cung cấp tín dụng, như dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Hòa Lạc - Hòa Bình.
Tháo nút thắt tài chính
Đứng trước các vướng mắc cụ thể từ thực tiễn, Bộ KH&ĐT đã có định hướng sửa đổi hàng loạt nội dung trong Nghị định 15 và Nghị định 30. Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, rất nhiều nội dung sửa đổi trong 2 nghị định này sẽ tháo gỡ được bài toán tài chính cho NĐT.
Đơn cử như cơ chế thanh toán cho dự án BT được quy định tại Nghị định 15. Theo đó, với quy định hiện hành, NĐT thực hiện dự án theo loại hợp đồng BT chỉ được thanh toán bằng quỹ đất. Song thực tế hiện nay quỹ đất tại các địa phương ngày càng hạn chế, trong khi có nhiều phương thức thanh toán khác cũng đem lại hiệu quả cao.
Vì vậy, định hướng sửa đổi sẽ là bổ sung phương thức thanh toán cho dự án BT bằng dự án khác, như cho phép nhượng quyền khai thác quảng cáo trên công trình; tạo điều kiện kinh doanh các công năng bổ sung của công trình; cho phép khai thác thương mại các công trình, dự án khác; cho phép địa phương thanh toán bằng các mỏ vật liệu, khoáng sản…
Ngoài ra, kiến nghị cho phép NĐT đề xuất dự án được sử dụng vốn Nhà nước hỗ trợ ban đầu trong trường hợp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chủ động bố trí được nguồn ngân sách của mình. Quy định hiện nay không cho phép địa phương được hỗ trợ vốn xây dựng ban đầu cho các dự án mà NĐT đề xuất.
Về cơ chế bảo lãnh, ông Nguyễn Đăng Trương chia sẻ, cơ quan soạn thảo nghị định đề xuất bổ sung một số cơ chế bảo lãnh, tuy nhiên tuỳ từng dự án PPP cụ thể phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đi cùng đó là việc xây dựng các cơ chế, công cụ tài chính để đảm bảo nguồn lực tài chính sẵn sàng trong quá trình thực hiện việc bảo lãnh.
Ngoài các quy định về cơ chế tài chính, ban soạn thảo còn đề xuất sửa đổi nhiều nội dung khác như đối tượng áp dụng; nội dung đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật; hình thức và quy trình lựa chọn NĐT; chế tài xử lý vi phạm…
Trong giai đoạn 2016-2020 có 18/63 địa phương đăng ký danh mục dự án PPP với tổng số 598 dự án, trong đó có 321 dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020, 277 dự án chuyển tiếp từ năm 2011-2015. Tổng nhu cầu vốn cho các dự án PPP là 254.054 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 16.863 tỷ đồng, vốn dự kiến do NĐT huy động là 237.191 tỷ đồng. |