Thúc giục hoá giải rủi ro trong PPP
Cần cẩn trọng với PPP | |
Để PPP hấp dẫn nhà đầu tư ngoại | |
Tìm lực hút PPP: Không chỉ cần hành lang pháp lý |
“Nghị định mới về PPP đã góp phần quan trọng vào sự phát triển thể chế pháp lý, nhưng bản thân Nghị định này không thể tự động tạo ra sự thành công cho các dự án cơ sở hạ tầng đầu tư tư nhân”, Tiểu ban Pháp luật, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã đưa ra nhận xét thẳng thắn như vậy để lý giải cho sự e dè của NĐT trước những lời vẫy gọi nhiệt tình của cơ quan quản lý vào các dự án PPP.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các quốc gia láng giềng cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư PPP, thì sự chậm trễ hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng có thể khiến NĐT không thể chờ đợi thêm nữa.
Nhà nước “gọi món”, NĐT lắc đầu
Ông Sean Conaty, thành viên Tiểu ban Pháp luật, Eurocham cho biết, vấn đề mà NĐT mong đợi nhất hiện nay là Chính phủ sớm xác định và ưu tiên một số dự án PPP để đưa ra đấu thầu trên thị trường.
Ông khẳng định, xác định và công bố các dự án cụ thể, khả thi là ưu tiên cao nhất nhằm duy trì động lực cho chương trình PPP của Việt Nam. Do đó cần có danh mục các dự án chờ rõ ràng và minh bạch, xem xét tập trung vào các dự án mang tính chất đầu tàu, khi thành công sẽ kéo theo nhiều cơ hội khác.
Nhiều nghi ngại của NĐT chưa được giải đáp rõ ràng |
Để triển khai chương trình PPP thành công, NĐT đến từ châu Âu khuyến nghị cần nghiên cứu và áp dụng các cơ chế đặc thù cho từng dự án riêng lẻ để đảm bảo tính khả thi về tài chính và kỹ thuật.
Quan điểm của Eurocham cho rằng những dự án này không nhất thiết phải có quy mô lớn nhất hay dự án quan trọng nhất mà nên là những dự án khả thi về mặt kỹ thuật và tài chính, cho phép NĐT bù đắp chi phí và thu về một khoản lợi nhuận đủ hấp dẫn sau khi đã tính đến các chi phí tài chính.
Thực tế là năm 2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định 631, công bố danh mục 127 dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài, trong đó khoảng 35 dự án được xác định triển khai theo quy chế PPP. Sắp tới Chính phủ cũng sẽ công bố danh mục cập nhật các dự án PPP trong các lĩnh vực cầu đường, cơ sở hạ tầng đô thị, năng lượng, cấp nước và xử lý rác thải. Tuy nhiên, các dự án này có vẻ vẫn chưa nhằm đúng vào “khẩu vị” đầu tư của NĐT nước ngoài.
Những rủi ro cần lấp đầy
Cũng theo các NĐT nước ngoài, sự thiếu hoàn thiện của cơ sở pháp lý hiện nay khiến rủi ro của NĐT chưa được lấp đầy. Đơn cử như Nghị định mới về PPP chưa giải quyết được việc phân bổ rủi ro chủ chốt và một số vấn đề thương mại, như tài sản thế chấp bất động sản và rủi ro chuyển đổi, và cũng không cung cấp các quy trình chi tiết cho quyền chuyển nhượng dự án, hợp đồng, dẫn đến sự không chắc chắn của cơ quan chức năng. Điều này gây ra chậm trễ trong việc ký kết hợp đồng và triển khai dự án trên thực tế.
Vì vậy, NĐT yêu cầu được chính thức làm rõ một số vấn đề nổi cộm. Chẳng hạn xác nhận khả năng của bên cho vay nước ngoài sẽ được đảm bảo bằng các tài sản bất động sản của các công ty quản lý dự án. NĐT cũng mong muốn được hướng dẫn chính thức về giải pháp cho vấn đề chuyển đổi ngoại tệ.
Hơn nữa, việc các hợp đồng dự án có thể áp dụng các luật quốc tế, và có thể được đem ra trọng tài quốc tế, cần được xác nhận để giúp NĐT và bên cho vay có thể vượt qua một số điểm lo ngại trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, quỹ bù đắp tài chính cho các dự án thực hiện theo hình thức PPP sẽ là một bước tiến tích cực đối với các NĐT nước ngoài trong thị trường PPP. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có xác nhận chính thức về việc lập quỹ này, và cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý và điều kiện được sử dụng quỹ.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận giai đoạn triển khai thí điểm PPP còn chậm, việc lựa chọn dự án thí điểm thời gian qua còn chưa đúng hướng.
Ông khẳng định, Chính phủ vẫn coi danh sách các dự án PPP là danh sách ưu tiên để sớm hoàn thiện. Tuy nhiên, trước đây quan điểm của cơ quan quản lý là phải lắng nghe và thu thập các nhu cầu đầu tư ở các địa phương, sau đó lên danh mục dự án. Sau đó chọn ra dự án nào mà phía tư nhân không thể thực hiện được thì dành lại cho Chính phủ làm. Và phần còn lại công bố ra bên ngoài cho NĐT lựa chọn.