Lo cho tăng trưởng
Vì sao IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu? | |
Tăng trưởng chậm là cơ hội để thúc đẩy cải cách |
WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chững lại ở mức 6,6% năm 2019 |
Dự báo mới nhất này của WB không thay đổi so với lần dự báo gần đây nhất của tổ chức này (vào tháng 12/2018), nhưng vẫn có thể xem là sự điều chỉnh giảm nếu nhìn lại mức tăng trưởng GDP thực 7,08% mà Việt Nam đạt được trong năm 2018 – cao hơn khá nhiều mức 6,8% mà dự báo của WB đưa ra khi đó.
Thực ra không chỉ WB mà nhiều tổ chức quốc tế khác đều tỏ ra không mấy lạc quan với tăng trưởng Việt Nam trong năm nay (cần hiểu lạc quan ở đây là so với chính tăng trưởng thực tế mà các năm qua Việt Nam đạt được, bởi ngay cả các mức tăng trưởng thấp nhất là 6,5% - 6,6% trong năm nay mà nhiều tổ chức dự báo thì vẫn là mức rất cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới).
Kết thúc quý I, mức dự báo tăng trưởng cao nhất cho kinh tế Việt Nam mà một tổ chức quốc tế đưa ra là 6,8% (dự báo của ADB, đưa ra ngày 3/4) và thấp nhất là 6,5% (dự báo của IMF đưa ra ngày 9/4). Kể cả các tổ chức trong nước, vốn thường đưa ra dự báo lạc quan hơn, song phần lớn cũng chỉ dự báo tăng trưởng năm nay chỉ đạt mục tiêu đề ra (6,6-6,8%).
Điểm khiến nhiều người quan tâm là liên tục trong 2 năm vừa qua, tăng trưởng thực mà nền kinh tế đạt được đều cao hơn mục tiêu đặt ra (năm 2017, mục tiêu đặt ra 6,7%, thực tế đạt 6,81%; năm 2018, mục tiêu 6,7%, thực tế đạt 7,08%), liệu năm nay điều này có lặp lại để có thể biến những dự báo có phần kém lạc quan trên thành lạc hậu?
Tuy nhiên, trước khi có thể kỳ vọng tăng trưởng thực một lần nữa cao hơn mục tiêu đặt ra thì cũng phải thừa nhận những yếu tố bất định hơn của môi trường hiện nay. Trong nước, các số liệu kinh tế quý I cho thấy các động lực cho tăng trưởng có dấu hiệu suy yếu dần, trải đều từ tăng trưởng của khu vực khu vực công nghiệp và xây dựng, tới dịch vụ và nông nghiệp.
Trong khi đó, dù lạm phát quý I ở mức tương đối thấp, nhưng ngay từ nửa cuối tháng 3 đến nay đã xuất hiện nhiều diễn biến mới, không thuận và có thể tạo áp lực lớn cho lạm phát, tăng trưởng trong quý II và những quý tiếp theo. Nổi lên trong số đó là việc tăng giá điện 8,36% ngày 20/3 và 2 lần tăng giá xăng, dầu mạnh (các ngày 2 và 17/4). Tác động của tăng giá điện, xăng dầu vừa qua sẽ bắt đầu thấy rõ trong chỉ số CPI tháng 4 và có thể tiếp tục kéo dài trong 2 - 6 tháng tới.
Theo các chuyên gia, điều đáng quan ngại nhất là những tác động lan truyền, như có thể diễn ra hiện tượng “té nước theo mưa” và tâm lý lạm phát kỳ vọng. Trên thị trường ngoài kia, thực tế một số mặt hàng từ thực phẩm, tiêu dùng tới vật liệu xây dựng đã rục rịch tăng giá. Dù đây chỉ là những diễn biến mang tính ngắn hạn nhưng nếu tiếp tục được “cộng dồn” và lan truyền sẽ tạo ra áp lực không nhỏ đến đạt được các mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Nhìn ở góc độ vĩ mô hơn, WB cho rằng, nếu các nỗ lực tái cơ cấu DNNN và khu vực ngân hàng bị trì hoãn có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến tình hình tài chính – vĩ mô, làm suy giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra các nghĩa vụ lớn hơn cho khu vực công. Bên cạnh đó, nếu đầu tư công tiếp tục suy giảm có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển dài hạn.
Triển vọng kinh tế năm nay còn đặc biệt chịu ảnh hưởng từ sự bất định của kinh tế và thương mại toàn cầu (với hầu hết các dự báo cho rằng tăng trưởng sẽ suy giảm ở nhiều nền kinh tế phát triển lớn, trong đó có những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ).
Thực tế diễn biến kinh tế toàn cầu quý I đã không mấy khả quan và nếu những biến động tiếp theo của nền kinh tế toàn cầu vẫn bất định theo hướng tiêu cực, sức cầu giảm sút trong khi giá các hàng hóa cơ bản, đặc biệt là dầu mỏ tiếp tục tăng cao… sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương hơn.
Vì lẽ đó, hy vọng cho những điều tốt đẹp nhất nhưng sẵn sàng ứng phó với diễn biến tiêu cực nhất sẽ là tâm thế cần có để vượt qua những thách thức đối với nền kinh tế trong năm nay.