Vì sao IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu?
Đánh giá của IMF về triển vọng kinh tế thế giới và các vấn đề nổi bật hiện nay | |
IMF tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển quốc gia |
Phát biểu tại buổi họp báo trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân của IMF/WB diễn ra ở Washington ngày 11/4, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết, 70% nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với một thời điểm bất ổn, với những rủi ro bao gồm: Các căng thẳng thương mại chưa được giải quyết, những gánh nặng nợ cao ở một số quốc gia và các tập đoàn, cũng các sai lầm chính trị như quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh.
Các rủi ro này đã được các chuyên gia của IMF phân tích rõ hơn tại buổi Tọa đàm với chủ đề: “Triển vọng toàn cầu, giá vật liệu sản xuất và hiệu ứng lan tỏa thương mại” do NHNN Việt Nam phối hợp với Văn phòng Đại diện Thường trú IMF tại Việt Nam tổ chức ngày 22/4/2019 vừa qua tại Hà Nội.
Theo ông Yannick Timmer – chuyên gia kinh tế IMF, việc điều chỉnh giảm dự báo kinh tế toàn cầu của IMF do nhiều nguyên nhân, trong đó ngoài môi trường chính sách chung ở mức bất định cao thì có các yếu tố riêng có tại mỗi nước, mỗi khu vực đã cản trở động lực tăng trưởng.
Ví dụ tại khu vực EU chủ yếu liên quan đến vấn đề Brexit; tại Mỹ là hoạt động đầu tư bắt đầu giảm nhẹ trong những tháng cuối năm 2018 khi gói cắt giảm thuế giảm dần tác dụng trong khi chiến tranh thương mại (CTTM) với Trung Quốc gia tăng; Tại Trung Quốc là tác động của CTTM và nỗ lực giảm đòn bảy nợ, kiểm soát và xử lý tín dụng đen, và chuyển dần sang mô hình tăng trưởng bền vững hơn.
Tại những thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDEs) khác, hoạt động kinh tế cũng trầm lắng hơn do khi thị trường tài chính trong 6 tháng cuối năm 2018 có vẻ xấu đi, nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina phải thắt chặt chính sách để ổn định tài chính, vấn đề nợ công tiếp tục mở rộng tại Mexico, căng thẳng địa chính trị tại các nước Trung Đông.
Nhưng chuyên gia này cũng cho rằng, CTTM Mỹ - Trung là một nguyên nhân quan trọng. Thực tế tăng trưởng của kinh tế thế giới gần đây đã chậm lại nhanh hơn so với dự báo trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, niềm tin vào môi trường kinh doanh suy giảm và các bất ổn chính trị cao hơn.
Theo kịch bản cơ sở của IMF, kinh tế toàn cầu có thể sẽ hồi phục trở lại trong năm 2020 (với dự báo tăng trưởng đạt mức 3,6%) nếu các mức thuế của Mỹ với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc được giữ nguyên ở mức 10%, và xu hướng nới lỏng tài chính hiện nay được tiếp tục duy trì. Ngược lại, nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, các điều kiện tài chính bị thắt chặt mạnh và xuất hiện các yếu tố địa chính trị phức tạp mới sẽ ảnh hưởng đến dự báo trên.
Đề cập cụ thể đến CTTM Mỹ - Trung, chuyên gia kinh tế IMF Johannes Eugster cho rằng, chính Mỹ và Trung Quốc là những nước chịu thiệt hại nhiều nhất. Nhưng việc áp thuế quan lên các mặt hàng của nhau không chỉ có tác động đến tổng thể nền kinh tế của những nước liên quan trực tiếp mà còn gián tiếp tác động đến các nước khác và tác động tiêu cực tới các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Do đó xét về tổng thể, CTTM Mỹ - Trung tạo ra các tác động tiêu cực đến thương mại và tăng trưởng của kinh tế thế giới. Thuế quan gây ra những ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và việc làm thông qua tác động tới cách thức tổ chức sản xuất trong nước và xuyên quốc gia.
Chuyên gia này cũng cho rằng, xu hướng một số nước tập trung vào quan hệ thương mại song phương cũng làm dấy lên lo ngại về những bất cân đối trong quan hệ thương mại giữa các nước và khu vực, có thể làm thay đổi hệ thống thương mại quốc tế.
Báo cáo WEO cũng chỉ ra, tăng trưởng đầu tư trên toàn thế giới đã chậm lại đáng kể kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, khi so sánh với giai đoạn đầu những năm 1990, đầu tư thực tế vào máy móc và thiết bị đã tăng đáng kể. Và sự giảm giá tương đối của hàng hóa đầu tư có thể giao dịch - được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng năng suất nhanh hơn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa vật liệu và gia tăng hội nhập thương mại - đã tạo ra động lực lớn cho sự gia tăng này. Tuy nhiên, EMDEs vẫn phải đối mặt với giá tương đối cao hơn của hàng hóa đầu tư có thể giao dịch do các rào cản thương mại.
“Các kết quả của Báo cáo đưa ra một lập luận bổ sung, hỗ trợ cho các quốc gia trong điều hành chính sách nhằm giảm thiểu tác động của các rào cản thương mại và tái tạo động lực thương mại quốc tế. Đặc biệt, Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiến bộ công nghệ cùng với xu thế giá hàng hóa vật liệu giảm, tạo ra một làn gió mới mang ý nghĩa quan trọng cho đầu tư toàn cầu”, ông Yannick Timmer cho biết.
Lý giải về việc IMF dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm nay, bà Hà Thị Kim Nga - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Văn phòng Đại diện IMF tại Việt Nam cho biết: Cơ sở để IMF đưa ra dự báo này là vì nền tăng trưởng trong năm 2018 của Việt Nam ở mức cao, cùng với đó là tín dụng được thắt chặt hơn. Với bên ngoài, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU đều có xu hướng giảm đà tăng trưởng (dẫn đến nhu cầu nhập khẩu giảm) nên sẽ có những tác động đến Việt Nam. Ngoài ra, IMF nhận định vẫn có khả năng Fed sẽ tăng lãi suất một lần từ nay đến cuối năm. |