Lo da giày thất thế trên sân nhà
Dù xuất khẩu vẫn trong xu hướng tích cực, các DN trong ngành da giày tại TP. Hồ Chí Minh đang băn khoăn với tình hình tiêu thụ nội địa đang ngày càng khó khăn. Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh cho biết, tiêu thụ da giày tại thị trường nội địa 7 tháng đầu năm 2013 đang giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2012, một sự sụt giảm quá lớn so với các giai đoạn trước đây.
Xuất khẩu giày dép tốt hơn tiêu thụ trong nước
Cũng như nhiều ngành hàng tiêu dùng khác, ngành da giày đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc giá rẻ, nhập khẩu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Ngoài ra, thị trường Việt Nam còn đang là mục tiêu hướng đến của các nhà bán buôn, bán lẻ da giày từ các nước châu Á có thế mạnh như Thái Lan là ví dụ. Ghi nhận thực tế tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, giày dép của DN Việt Nam bán ở thị trường trong nước hiện chỉ đạt tỷ lệ 50/50 so với hàng Trung Quốc ở nhóm sản phẩm bình dân, giá bán rẻ.
Nhóm hàng này là các loại giày dép bằng chất liệu nhựa plastic, nhựa xốp, giả da hay simili. Kênh phân phối chủ yếu là các chợ lớn nhỏ và tiêu thụ nhiều ở thị trường nông thôn. Nếu so sánh về mẫu mã, kiểu dáng thì hàng Trung Quốc đa dạng hơn. Nhất là giày dép dành cho trẻ em kiểu dáng, màu sắc rất bắt mắt. Chị Nguyễn Thanh Loan, chủ sạp giày dép Hồng Loan (chợ Xóm Chiếu, quận 4, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hàng Trung Quốc dễ bán hơn hàng Việt Nam cùng loại bởi nhiều mẫu, dễ chọn lựa và giá bán rẻ.
Ở dòng sản phẩm giày dép trung và cao cấp, ngoài số ít thương hiệu hàng Việt Nam quen thuộc như Biti’s, Bita’s, Thượng Đình, Thái Bình, Vina Giày… vẫn duy trì số lượng cửa hàng giới thiệu sản phẩm nhất định. Hàng xuất khẩu tồn kho của DN Việt Nam tiêu thụ ra thị trường nhiều khu vực đô thị. Còn lại, trên thị trường hầu hết là giày dép xuất xứ Thái Lan, Trung Quốc.
Theo chủ một cơ sở sản xuất giày dép tại quận 6, TP. Hồ Chí Minh, muốn cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ, trước hết nhà sản xuất Việt Nam phải chủ động được nguyên liệu sản xuất, trang bị máy móc tiên tiến, có bộ phận thiết kế mẫu mã chuyên biệt.
Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu này chỉ có những DN lớn. Nhưng DN lớn thì lại chỉ tập trung làm hàng xuất khẩu, không chú ý nhiều đến tiêu thụ nội địa. Còn lại các hộ sản xuất, DN nhỏ thì không đủ điều kiện để đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh... Nếu có vốn, DN cũng chỉ đầu tư ở một hai công đoạn là giá thành sản phẩm đã đội lên gấp đôi. Vẫn khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc…
Theo Tổng cục Thống kê, giày dép tiếp tục là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2013 ước đạt hơn 5,52 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2012. Hiện nay phần lớn DN trong ngành đã có đơn hàng cả năm 2013 với mức tăng bình quân 10% - 15% so với năm 2012. |
Thu Hà