Loay hoay với cổ phần hoá
Ảnh minh họa |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, tính đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành công tác cổ phần hoá (CPH) và chuyển đổi 8 DNNN thành CTCP hoạt động theo Luật DN, trong số này có 3 DN, Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối.
Dự kiến năm 2015, và quý I/2016, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành việc CPH 7 DNNN, trong đó có 3 tổng công ty, gồm: Máy động Lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty giấy Việt Nam, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp và 4 Công ty TNHH MTV.
Như vậy trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Công Thương hoàn thành công tác sắp xếp, CPH được 15 DNNN theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Có 5 DN gồm: Dệt may, Công nghiệp Dầu thực vật, Máy động lực và Máy Nông nghiệp, Giấy Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thực phẩm và Đầu tư công nghệ Fococev là đã tìm được NĐT chiến lược, nhưng chủ yếu là NĐT trong nước, mà chưa thu hút được các NĐT chiến lược nước ngoài tham gia mua CP của các DN trực thuộc Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thẳng thắn cho rằng, kết quả này là chưa được như mong muốn trong bối cảnh TTCK chưa khởi sắc, một số DN còn vướng mắc, khó khăn về tài chính, thu nợ, đất đai tài sản…
Ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển DN (Bộ Công Thương) cho biết, qua quá trình khảo sát thực tiễn tái cơ cấu CPH DN thuộc Bộ Công Thương, nhìn chung các DN còn lúng túng trong việc lựa chọn phương thức CPH. Vấn đề thẩm quyền thẩm định và phê duyệt phương án CPH chưa thật rõ ràng, nhất là đối với các Tổng công ty thuộc tập đoàn. Việc kêu gọi và lựa chọn NĐT chiến lược chưa tốt nên xảy ra hiện tượng tỷ lệ bán được còn thấp. Thậm chí có công ty chỉ CPH được 0,07% số CP chào bán như Công ty Thuỷ điện Đa Nhim (Bình Thuận).
Ngoài ra còn có sự chưa ăn khớp giữa các văn bản hướng dẫn liên quan đến thúc đẩy nhanh quá trình CPH. Ví dụ như việc EVN muốn thoái vốn tại Công ty JTC quá 10% vốn điều lệ thì phải xin Bộ Tài chính phê duyệt, nhưng đã gần 5 tháng trôi qua vẫn chưa được trả lời.
“Ở nhiều công ty khi CPH, NĐT lớn muốn mua hơn 51% số CP để có thể áp đặt việc quản trị. Trong khi đó, việc phân loại ngành nghề lại chưa thật cụ thể, nhất là với các công ty con, cháu trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty”, ông Tuất cho biết thêm.
Liên quan đến các vướng mắc tài chính, ông Tuất cho biết, việc xử lý các tài sản tồn đọng nhất là nguồn tài sản hình thành không rõ ràng, xử lý công nợ trong quá khứ… còn rất khó khăn. Việc xác định IPO lần đầu còn thiếu các cơ sở tính toán, nhất là vấn đề chi phí cho tư vấn CPH chưa có quy định rõ ràng dẫn đến chậm trễ.
“Chỉ riêng mức chi phí cho tư vấn của Genco3, Bộ Tài chính chỉ cho áp mức 700 triệu đồng và đã hơn 3 tháng nay chưa có lời giải vì chi phí theo kết quả đấu thầu lên tới 2,2 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều quan hệ tài chính đặc thù phát sinh nhưng lại chưa có hoặc chậm có phương án giải quyết. Ví dụ như việc Genco3 lên kế hoạch bán 51% CP nhưng các chủ nợ quốc tế lại yêu cầu EVN phải nắm giữ 51% CP thì mới bảo lãnh cho vay các dự án”, ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN cho biết thêm.
Ông Ninh Văn Quỳnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì cho biết, công tác thoái vốn, CPH mặc dù đã triển khai tích cực nhưng kết quả chưa đạt được như mong đợi. Do tình hình kinh tế và thị trường không thuận lợi và vốn của các DN dầu khí thường quá lớn nên khó tìm cổ đông chiến lược. Sau CPH tỷ lệ nắm giữ của PVN còn cao dẫn đến tâm lý cho rằng việc CPH thực chất không thay đổi nhiều về phương diện quản lý điều hành DN.
Trong khi đó, từ thực tế đơn vị mình, đại diện Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn cho biết, không muốn bán cổ phần cho NĐT chiến lược nước ngoài. Vấn đề quan trọng nhất sau khi thoái vốn phải làm sao giữ được thương hiệu đã xây dựng từ nhiều năm nay. “Sẽ xuất hiện nguy cơ xung đột lợi ích giữa NĐT và các công ty liên kết mà tổng công ty chỉ nắm giữ khoảng 20% vốn điều lệ. Trong khi có tới 14 công ty liên kết và sản lượng sản xuất lên tới 50% sản lượng của toàn tổng công ty”, vị này lo lắng.
Trước những khó khăn này người đứng đầu Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đề nghị cần có cơ chế, chính sách tài chính để giúp các DN có quy mô lớn thực hiện thuê tư vấn tìm kiếm đối tác chiến lược, quảng bá DN không chỉ trong nước mà cần phải quảng bá tại nước ngoài để thu hút các NĐT chiến lược nước ngoài. Về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, các bộ ngành cần xem xét nghiên cứu sửa đổi để giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước đối với một số lĩnh vực hiện nay Nhà nước đang nắm giữ tỷ lệ cao.
Đối với các DNNN sau khi có Quyết định phê duyệt phương án CPH và triển khai bán cổ phần lần đầu theo Nghị định 59/2011 và Thông tư hướng dẫn số 196/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính mà không bán hết cổ phần, Thủ tướng Chính phủ cần có quy định để người có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án CPH DN có quyền điều chỉnh giá bán CP các lần kế tiếp theo giá thị trường mà khoảng chênh lệch giảm so với giá bán CP lần đầu từ 20% đến 50% để bán cho các NĐT và chuyển DN thành CTCP.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung thay thế Nghị định 99 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào các DN trên cơ sở tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu cho phù hợp với Luật DN năm 2014.